Ðể Quảng Ninh thành một trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia
.jpg)
Vịnh Hạ Long
Nhận thức được những lợi thế nổi trội của tỉnh trong việc phát triển du lịch, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2030: (1) Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đạt hiệu quả, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; chuyển đổi phương thức phát triển từ “Nâu” sang “Xanh”; (2) Phát triển dựa vào các nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản và lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; (3) Khai thác bền vững các lợi thế các tài nguyên du lịch; (4) Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; (5) Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch và thu được những kết quả khả quan: Năm 2016, tổng khách du lịch đạt: 8.350.000 lượt tăng 9%, trong đó khách quốc tế đạt: 3.500.000 lượt tăng 23%; khách lưu trú đạt: 4.300.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13.300 tỷ đồng, tăng 13%. Thu ngân sách từ dịch vụ du lịch ước đạt 1,559 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng thu ngân sách nội địa, tăng 26% cùng kỳ. Ngành Du lịch tạo ra khoảng 128.728 việc làm, trong đó có 68.051 việc làm trực tiếp và 60.677 việc làm gián tiếp. So sánh với kết quả kinh doanh năm 2015: Tổng lượng khách đạt 109%; doanh thu đạt 113%; lượng khách quốc tế đạt 123%. So sánh với thực hiện kế hoạch năm 2016, tổng lượng khách đạt 104%; doanh thu đạt 111%; Lượng khách quốc tế đạt: 3.500.000 lượt tăng 23%, đạt 117%.
Mục tiêu đến năm 2020, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh sẽ đạt 10,5 triệu lượt khách, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu 30.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 60.000 lao động trực tiếp. Quảng Ninh đang hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 4 trung tâm du lịch trọng điểm gồm: (1) Khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên - sản phẩm chính là du lịch tâm linh, văn hóa; (2) Khu vực thành phố Hạ Long và vùng phụ cận (đây là khu vực trung tâm chính của du lịch QN) - sản phẩm chính là du lịch cảnh quan, văn hóa, mua sắm và vui chơi giải trí; (3) Khu vực Vân Đồn - Cô Tô - sản phẩm chính là du lịch tâm linh, biển đảo, vui chơi giải trí; (4) Khu vực Móng Cái - sản phẩm du lịch biển, kết hợp biên mậu; đồng thời phát triển các không gian du lịch mới ở Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu... nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông...
Khách quốc tế đến Quảng Ninh năm 2016 tăng 23%
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được các nhà đầu tư động lực như: tập đoàn Vingroup, tập đoàn Sungroup, Tập đoàn FLC... đến đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, qua đó hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.112 cơ sở lưu trú với 15.299 phòng (bao gồm cơ sở lưu trú đã xếp loại và chưa xếp loại). So sánh giữa năm 2011 với năm 2016 hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh, khoảng 111% và số phòng tăng 149%; tổng số 530 tàu du lịch đã được cấp phép với 180 tàu lưu trú (165 tàu lưu trú đạt hạng từ 1 đến 2 sao); 58 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (42 nhà hàng, 16 điểm mua sắm); 9 bãi tắm du lịch; 47 doanh nghiệp lữ hành...
Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, hiện nay tỉnh Quảng Ninh phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới: khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), du lịch sinh thái, trải nghiệm Bình Liêu; khám phá Hạ Long bằng thuyền kayak, thủy phi cơ; Trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí của tập đoàn Vingroup; Khu vui chơi giải trí Marina Plaza; nhà hàng, khách sạn, tàu vận chuyển và tàu nhà hàng cao cấp; Công viên Hạ Long (Hạ Long); Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Biểu tượng du lịch Ngã ba Trà Cổ - Bình Ngọc (Móng Cái)... Đặc biệt Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu được khánh thành ngày 7/10/2015 là cảng khách nhân tạo hiện đại nhất Đông Nam Á và đầu tiên ở Việt Nam do Công ty TNHH Âu Lạc (Tập đoàn Tuần Châu) đầu tư xây dựng trên diện tích 200ha, có chiều dài tuyến bến gần 7km, độ sâu 10-17m, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Mặt khác, Quảng Ninh đã chủ động mở rộng không gian du lịch bằng cách thiết lập mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều trung tâm du lịch của các quốc gia, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp…; phát triển du lịch liên vùng với một số tỉnh, thành trong nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh…
Năm 2017, Sở Du lịch Quảng Ninh đề ra chỉ tiêu cho năm 2017: Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 8,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 13.800.000 triệu đồng. Để hoàn thành mục tiêu đó, Sở Du lịch phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sau: Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch; tăng cường công tác phối kết hợp với các địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch của tỉnh.
Hy vọng với quyết tâm cao, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên Sở Du lịch, sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sự ủng hộ của các Bộ, ngành trung ương, Quảng Ninh sẽ là điểm đến tin cậy của du khách trong và ngoài nước, là điểm sáng phát triển du lịch của Việt Nam và là: “trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh” (trích Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030).
Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh
Gửi bình luận