Xuân về nhớ gian bếp của mẹ
…Có những năm, Xuân không về được với mẹ, gã trai tôi chạm ngõ tuổi ba mươi nằm nhớ nhà đến phát khóc. Thấy có lỗi với mẹ ở quê nhà, thấy có lỗi với gian bếp quê mùa nắng, nắng rọi, mùa mưa, mưa rơi.
Những ngày cận Tết, bếp của mẹ bận rộn hơn thường ngày, lửa lúc nào cũng tí tách bập bùng ánh đỏ, rộn ràng và reo vui. Thịt thà, mứt bánh sử dụng cho ngày Tết mẹ chuẩn bị từ rất sớm, có lẽ cũng bởi cái tính hay lo xa của mẹ. Mẹ bảo ngày Tết sẽ bớt vui nếu như không có các loại mứt để ăn thế nên mẹ bắt tay vào làm mứt trước tiên. Mẹ chẳng bao giờ ra chợ mua nguyên liệu về để làm mứt mà tận dụng luôn những thứ sẵn có trong vườn, ngoại trừ đường là phải mua. Có năm nhà trồng được nhiều bí đao mẹ sẽ làm phần nhiều mứt bí đao, năm dư cà rốt, dừa quả mẹ lại làm mứt cà rốt, mứt dừa. Bạn nói ăn mỗi loại mứt thế không chán sao? Tôi cười, làm sao mà có thể chán được cơ chứ, bởi mứt mẹ làm rất ngon, cứ muốn ăn mãi thôi.
Nhìn cái cách mẹ tỉ mẩn chọn từng củ cà rốt, từng quả bí đao hay nạo từng sợi dừa cũng đủ biết mẹ cẩn thận với món mứt như thế nào rồi. Miếng nào ra miếng ấy, không cho vào khuôn nhưng đều tăm tắm, đẹp tuyệt mỹ. Mấy đứa con thích thú ngồi ngay kế bên rổ nguyên liệu của mẹ, mắt dán chặt vào những thao tác của mẹ, trầm trồ đầy ngưỡng mộ. Trong mắt những đứa con thì bà mẹ nào cũng tuyệt vời và vĩ đại. Thảng vu vơ, những lần tôi hỏi mẹ “Sao ngày xưa mẹ không theo nghề bếp? Nếu theo chắc giờ đã là một người làm bếp tài ba, tiếng tăm lừng lẫy?”. Mẹ mắng yêu rằng, những đứa con cứ tâng bốc mẹ, “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường mới biết lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Nhưng bạn biết không, mứt mẹ làm ngon tuyệt lắm đấy! Bàn tay của mẹ, bàn tay của người làm ruộng mấy chục năm trời, đụng đất cát không biết bao nhiêu trăm, triệu lần thô ráp, hằn những đường chỉ thời gian đầy khắc nghiệt nhưng vẫn thoăn thoắt, khéo léo đến vô cùng.
Mẹ làm mứt, mẹ kể chuyện ngày xưa. Tết của ngày xưa chẳng có thịt thà hay bánh mứt, chẳng khác ngày thường là bao, có chăng khác là bởi sự háo hức của lòng người đón chờ năm mới. Và tôi luôn có cảm giác rằng cái gì thuộc về ngày xưa cũng khổ, cũng cực. Cho nên mẹ muốn bù đắp những thiếu thốn ngày xưa bằng những gì cố gắng hết sức có thể. Buồn cười nhất là chị gái tôi, chị luôn miệng nói rằng, sau này lấy chồng sẽ không còn sợ người ta đánh giá vụng về, hậu đậu nữa. Còn anh trai thì cười sảng khoái “Còn giả sử nếu lấy vợ chẳng may không giỏi nấu nướng con sẽ phụ cô ấy”. Tự nhiên thèm rất thèm cái không khí quây quần bên mẹ, bên gian bếp nhỏ yêu thương. Ngọn lửa bếp Xuân đã xoáy sâu vào tận tâm can tôi, chỉ cần một “mồi nhớ” là nó lại bùng cháy lên đến da diết.
Những tháng ngày lên phố đi xa, gian bếp nhỏ mỗi lúc về đã thấy mẹ thắp lửa sáng rực, tay bẻ nhỏ từng lọn củi cho vào bếp, miệng thì không ngừng hàn huyên. Cả một năm đi xa về, mù tịt chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện hàng xóm láng giềng, giờ được nghe mẹ kể lại thấy thân quen ơi là thân quen. Gặp phải năm trời ít lạnh, mẹ mừng lắm! Vì khi đó những thửa rau sẽ vun vút lớn lên, phiên chợ giáp Tết mẹ gánh ra chợ đỡ đần thêm đồng vào đồng ra. Hay như chỉ là tình cờ sang xóm bên ăn cỗ cưới thôi, gặp được người quen chỉ cách nhân giống gà lai, lớn nhanh như thổi, mẹ cứ luôn miệng bảo “Người ta tốt thế không biết”. Niềm vui của mẹ bên gian bếp những ngày cuối năm là được kể chuyện cho con cháu đi xa về, được làm những món ngon cho chúng ăn.
Bếp Xuân của mẹ đi xa là nhớ, về là thương. Thương từng lọn khói quẩn quanh chỗ ngồi của mẹ, vô tình làm mắt mẹ cay đến từng mảng bồ hóng bám chặt trên tường đen nhưng nhức. Thương đàn kiến đen đi lạc vào trong bếp, nối đuôi nhau dàn hàng, ngỡ là đang đi vào thánh địa của chúng. Nhớ cái dáng lưng còng của người bao năm cặm cụi nơi góc bếp để làm nên những bữa cơm gia đình đầm ấm. Có những năm, Xuân không về được với mẹ, gã trai tôi chạm ngõ tuổi ba mươi nằm nhớ nhà đến phát khóc. Thấy có lỗi với mẹ ở quê nhà, thấy có lỗi với gian bếp quê mùa nắng, nắng rọi, mùa mưa, mưa rơi. Chừng ấy năm, mẹ vẫn lầm lũi đi ra vào với gian bếp tuềnh toàng.
Thi thoảng do tính chất công việc tôi lại lỡ hẹn với gian bếp Xuân của mẹ, lỡ hẹn với những mẻ mứt mẹ sên, những món ăn ngày Tết mẹ làm. Với tôi, gian bếp Xuân của mẹ là gian nhớ vô cùng tận. Là khi tôi mệt mỏi tôi sẽ tìm nhớ về. Mẹ với góc bếp thân thuộc đã gồng gánh niềm vui, nỗi khổ, những âu lo, hạnh phúc… Những điều tốt đẹp của tôi được khởi lên từ nơi này, góc nhớ thân thương.
Mai Hoàng
Gửi bình luận