Xây dựng sản phẩm du lịch Hồ Tây - Hà Nội, Kỳ cuối
Kỳ cuối: Để cảnh quan môi trường góp phần phát triển du lịch
Việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn không chỉ cần có những sản phẩm đặc thù, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là cải tạo, duy trì cảnh quan môi trường hồ Tây một cách bền vững.
Cải tạo cảnh quan môi trường hồ Tây
Trao đổi với đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, chúng tôi được biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì một cuộc họp với các đơn vị liên quan của TP Hà Nội về việc nạo vét, cải tạo môi trường hồ Tây. Sau cuộc họp, Chủ tịch TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội (BQLDA cấp thoát nước); Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội); Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) lập dự án hút bùn, cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, làm cột nước, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Hùng, trong tháng 2/2017, Sở Xây dựng đã chủ trì cuộc họp về phương án tiếp nước làm sạch hồ Tây với đại diện các đơn vị liên quan của Hà Nội: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi; Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội; Công ty Phú Điền; Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh. Các bên liên quan đã đưa ra các đề xuất về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường hồ Tây như bơm nước từ sông Hồng; điều chỉnh công nghệ nhà máy xử lý nước thải hồ Tây với công suất 15.000m³/ngày đêm, để nước thải sau khi xử lý đảm bảo đủ tiêu chuẩn đổ trực tiếp vào hồ Tây; phương án cấp nước theo Dự án hệ mạch cấp nước kết hợp với phát điện, giao thông, cải tạo môi trường cảnh quan Hà Nội.
Sở Xây dựng cũng đã chủ trì họp với UBND quận Tây Hồ; Sở Tài nguyên & Môi trường; Sở Kế hoạch & Đầu tư; BQLDA cấp thoát nước; Công ty thoát nước Hà Nội; Công ty Phú Điền về việc nghiên cứu, lập dự án hút bùn, cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, làm cột nước, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, bổ cập nước hồ Tây. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những việc làm trên được các đơn vị liên quan đều xác định là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm cải tạo tổng thể cảnh quan môi trường hồ Tây.
Cần tiến hành đồng bộ
Rõ ràng, việc cải tạo, duy trì cảnh quan môi trường hồ Tây một cách bền vững là hết sức cần thiết cho việc xây dựng khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch văn hóa tiên tiến. Dĩ nhiên, cũng là việc cấp bách đã được các đơn vị liên quan nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những công tác liên quan đã bắt đầu được triển khai, thế nhưng có vẻ như vẫn chưa thật sự có sự ăn khớp. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc cải tạo cảnh quan môi trường hồ Tây sẽ tốn nhiều thời gian. Trước mắt, sở này chỉ phụ trách việc đầu mối, đôn đốc các đơn vị liên quan, tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội. Việc lập dự án hút bùn, cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, làm cột nước, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường đã được đề xuất giao cho BQLDA cấp thoát nước. UBND TP giao quận Tây Hồ đề xuất, báo cáo UBND TP trước ngày 20/3/2017 về phương án nạo vét bùn, thu gom rác tại các khu vực bến thủy khi di dời phương tiện. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi ngày 10/3/2017, Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ Võ Bích Thủy cho biết, việc cải tạo cảnh quan, môi trường, lòng hồ sẽ do TP Hà Nội giao cho một đơn vị cụ thể thực hiện, thuê tư vấn nước ngoài…, quận Tây Hồ không có thẩm quyền, cũng không có sự phối hợp nào?
Mặt khác, theo Kế hoạch số 42/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 23/2/2017, về phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2017 đã đưa ra chỉ tiêu đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế, 19,31 triệu lượt khách nội địa; yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan đề xuất lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ Tây. Trong kế hoạch này, TP cũng yêu cầu tập trung phối hợp nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch đưa vào khai thác phát triển đối với khu vực hồ Tây; đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 nhằm phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Sở Du lịch đang triển khai thực hiện thật tốt các mục tiêu Kế hoạch số 207 của UBND thành phố về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo một cách đồng bộ, bài bản. Điều này được Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC – Phó Chủ tịch HHDL Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ ghi nhận: “Ngành Du lịch Hà Nội đang cùng cố gắng chỉnh trang, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, phù hợp cho không gian văn hóa du lịch hồ Tây”. Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi, Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ Võ Bích Thủy cho biết, quận Tây Hồ không có kế hoạch phối hợp triển khai cùng, chỉ “thụ hưởng” những gì TP Hà Nội triển khai?
Thiết nghĩ, để xây dựng khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch văn hóa thực sự hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, không chỉ các ban ngành liên quan của thành phố, bản thân là địa phương chủ quản khu vực hồ Tây, quận Tây Hồ cũng cần nỗ lực hơn, tham gia phối hợp bằng nhiều hoạt động mang tính chất duy trì cụ thể. Có như vậy, hiệu quả tạo được mới thực sự thúc đẩy du lịch khu vực hồ Tây phát triển như mong đợi.
Hồng Lụa - Đình Phong
Gửi bình luận