Xây dựng sản phẩm du lịch Hồ Tây - Hà NộI, Kỳ 2
Kỳ 2: Sản phẩm du lịch đặc thù thế nào?
Ðể xây dựng sản phẩm du lịch hồ Tây và vùng phụ cận có chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành của Hà Nội trong quy hoạch, đầu tư, khai thác.
Sự vào cuộc của các ban ngành
Kế hoạch số 42/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 23/2/2017 về phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2017 đã đưa ra chỉ tiêu đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế, 19,31 triệu lượt khách nội địa. Đối với khu vực hồ Tây và vùng phụ cận, kế hoạch yêu cầu tập trung phối hợp nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch đưa vào khai thác phát triển. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan đề xuất lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ Tây. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Sở Du lịch đang khẩn trương tham mưu xây dựng Kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; đồng thời triển khai thực hiện thật tốt các mục tiêu và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06 và Kế hoạch số 207 của UBND thành phố về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo một cách đồng bộ, bài bản.
Trước đó, theo thông báo số 38/TB-UBND ngày 9/2 của UBND TP Hà Nội, chúng tôi được biết, UBND TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng từng nói sẽ đề xuất làm một cột phun nước cao 180-200m để tạo điểm nhấn ở hồ Tây; mời các công ty tư vấn có uy tín trong và ngoài nước trực tiếp khảo sát tại hồ để xây dụng kế hoạch cải tạo hồ. Cũng theo Chủ tịch TP Hà Nội, để biến hồ Tây thành khu du lịch lớn của TP trong tương lai cần một kế hoạch tổng thể; TP phải vào cuộc và giao nhiệm vụ này cho Sở Xây dựng. Để cải tạo cảnh quan và môi trường hồ Tây, UBND Thành phố cũng đã làm việc với CLB đua thuyền Hồ Tây để cải thiện vệ sinh khu vực thuộc CLB quản lý.
Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng sự vào cuộc của các Ban, ngành liên quan của Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC – Phó Chủ tịch HHDL Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, thông báo 38/TB-UBND ngày 9/2 của UBND TP Hà Nội là tín hiệu vui mừng để có thể làm sống lại một hồ Tây trong lòng Thủ đô văn hiến. Ngành Du lịch Hà Nội đang cùng cố gắng chỉnh trang, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, phù hợp cho không gian văn hóa du lịch hồ Tây. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ kỳ vọng sau thông báo số 38, có sự liên kết giữa các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Du lịch trong việc cải tạo, chỉnh trang, xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả không gian hồ Tây.
Ông Nguyễn Quốc Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây cũng bày tỏ mong muốn TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách bằng ô tô điện được mở rộng luồng tuyến ra các khu vực phụ cận nhằm kết nối các điểm tham quan nổi tiếng của Thủ đô; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cây xanh xung quanh hồ; đầu tư hệ thống xử lý nước hồ Tây và kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải đổ vào hồ.
Xây dựng sản phẩm đặc thù
Xây dựng du lịch hồ Tây có chất lượng cao, gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô là điều không dễ dàng. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ chia sẻ: “Vẫn biết việc “đánh thức tiềm năng du lịch hồ Tây” là điều không dễ dàng, không phải làm được ngay. Trước tiên cần phải có sự quy hoạch tốt, các di tích cần được tôn tạo, tu bổ và quản lý chặt chẽ. Việc cho phép khai thác diện tích mặt hồ phục vụ du lịch cần có chế tài riêng và đảm bảo tuyệt đối vấn đề vệ sinh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vô giá này. Hệ thống các cơ sở lưu trú phải phù hợp với chỉnh trang chung, đặc biệt là đầu tư khai thác chuyên sâu du lịch ẩm thực tại không gian ven hồ. Ưu tiên không gian hồ Tây phát triển du lịch trung tâm Hà Nội đến năm 2020 là đúng hướng với loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, vui chơi giải trí, làng nghề”. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, hiện tại du lịch hồ Tây mới chỉ dừng ở việc tổ chức xe điện thưởng ngoạn cảnh quan ven hồ và tham quan một số điểm di tích. Các dịch vụ trên mặt nước còn chưa được quy hoạch và khai thác tốt, thiếu chiều sâu. Khai thác không gian hồ Tây cần tính đến khai thác các hiệu ứng trên mặt hồ như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa… Các doanh nghiệp du lịch cùng chung tay xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch kết hợp tham quan các điểm du lịch tâm linh bên hồ như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên... Mặt khác nối các tuyến điểm du lịch ven hồ, trong nội đô với một số làng nghề truyền thống Hà Nội xung quanh khu vực hồ Tây như các làng trồng sen, ướp sen Quảng An; trồng hoa, cây cảnh như đào Nhật Tân, quất Tứ Liên; cá cảnh Nghi Tàm. Đặc biệt, từ cuối năm 2016, khi Lan Hương Fashion (nhà tạo mẫu áo dài tại 18 Âu Cơ, Quảng An – Tây Hồ) đã được Sở Du lịch Hà Nội công bố là một “Điểm đến du lịch” mới của Thủ đô cũng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch hồ Tây.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây Nguyễn Quốc Hiếu cũng cho rằng, nên tạo lập một khu vực quảng trường đi bộ ở đầu đường Trịnh Công Sơn, tiếp giáp với khu vực đầm sen hồ Tây; xây dựng phố đi bộ và không gian văn hóa nhạc Trịnh vào các buổi tối cuối tuần.
Hồng Lụa - Đình Phong
Gửi bình luận