Vườn Quốc gia Bạch Mã - kho tài nguyên vô giá
Nằm cách Tp. Huế chừng 40km, VQG Bạch Mã hiện là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Đây là khu rừng rộng lớn nằm ở phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiệt độ ở Bạch Mã về mùa Đông không thấp hơn 40C, về mùa Hè không quá 260C. Đây là nền nhiệt lý tưởng cho loại hình nghỉ dưỡng và du lịch quanh năm.
Thác Đỗ Quyên
Được công nhận là VQG từ ngày 15/7/1991 theo Quyết định số 214-CT, đến năm 2008, VQG Bạch Mã được điều chỉnh diện tích tự nhiên lên gần 37.500ha. Trong rừng nguyên sinh Bạch Mã có 1.715 loài thực vật, trong đó có nhiều loại gỗ quý như trò chỉ, giẻ hương, gõ, tùng... nhiều cây gỗ to, cao tới trên 50m cùng trên 300 loài cây thuốc quý. Đây còn là khu rừng có hệ động vật hoang dã rất đa dạng với 969 loài, trong đó có 83 loài thú, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 39 loài cá, 256 loài bướm, 178 loài côn trùng… Trong đó có những loài thú quý hiếm được ghi vào sách đỏ cần bảo vệ như voọc ngũ sắc, vượn đen má trắng, sao la, mang Trường Sơn… Đặc biệt vào năm 1923, nhà nghiên cứu sinh vật học người Pháp Delacour đã phát hiện thấy tại Bạch Mã một loài chim quý họ Trĩ và đặt tên là Trĩ Sao.
Hiện nay, đi theo tuyến đường mòn vào sâu trong rừng, du khách có cơ hội thấy chúng bay nhẩy, múa hót ríu rít trên cành. Bắt đầu từ khu vực hành chính của Bạch Mã, theo quãng đường nhựa khoảng 5km lên tới núi Bạch Mã, rẽ phải và tiếp tục tản bộ chừng 2,5km du khách sẽ tận mắt thấy một thế giới động thực vật rất phong phú. Tiếng hót rộn rã của nhiều loại chim rừng như khiếu, họa mi, chích… Những đàn khỉ truyền từ cây này sang cây khác cùng tiếng kêu gọi đàn như đón chào du khách. Vào mùa hè khách đến thăm Bạch Mã còn được chào đón bởi một hợp âm của núi rừng tạo nên từ những tiếng ve kêu râm ran suốt đêm ngày. Điểm dừng của tuyến Trĩ Sao là nơi có thác đổ ào ào, hồ nước trong suốt. Sau chặng đường leo và vượt dốc, du khách có dịp nghỉ ngơi ngắm thác, bơi lội thỏa thích trong những hồ nước mát còn hoang sơ, thơ mộng, thơm ngát mùi hoa lá của rừng.
Hải Vọng Đài trên đỉnh Bạch Mã
Từ đường mòn Trĩ Sao tiếp tục đi thêm 9km theo đường lên đỉnh Bạch Mã đến trạm trung tâm, đi tiếp khoảng 1km sẽ gặp con đường đưa du khách đến khu Ngũ Hồ, có nghĩa 5 hồ nước nối tiếp nhau, chúng được tạo nên từ hai nhánh suối Hoàng Yến. Ngũ Hồ có một loài cá được coi là chúa tể của những loài cá sống ở suối – cá chình. Từ Ngũ Hồ, theo tuyến đường mòn đưa du khách đến thác Đỗ Quyên - một ngọn thác hùng vĩ có loài hoa đỗ quyên rất đẹp mọc xung quanh. Cứ mỗi độ Xuân về trăm hoa đua nở bên các dòng suối quanh thác, hoa đỗ quyên đỏ rực cùng các loài lan rừng đủ màu sắc tạo nên vẻ đẹp làm say lòng du khách. Tuyến đường đến thác Đỗ Quyên dốc thoai thoải xuyên qua một khu rừng xanh. Điều thú vị ít người biết đến rằng thác Đỗ Quyên là đầu nguồn của một trong hai nhánh sông chính hợp thành dòng sông Hương thơ mộng. Bốn trăm bậc cấp với chiều dài 400m đưa du khách tới tận chân thác, tại đây có thể chiêm ngưỡng được sự hùng vĩ của thác, ngắm nhìn thác đổ ào ào ai cũng thấy hài lòng với vẻ đẹp thiên nhiên mà mình đang tận hưởng.
Biệt thự Đỗ Quyên
Vào năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng tại Bạch Mã một khu nghỉ mát nằm trên độ cao 1.000m so với mực nước biển với hơn 100 biệt thự cùng hệ thống cơ sở hạ tầng và con đường dài nối khu trung tâm Bạch Mã lên đỉnh. Điểm cao nhất trên đỉnh Bạch Mã, người Pháp xây dựng Vọng Hải Đài để ngắm cảnh về cả phía Huế và Đà Nẵng. Hiện nay, khu biệt thự cổ đã được BQL VQG Bạch Mã kết hợp với doanh nghiệp tôn tạo thành khu nghỉ dưỡng dành cho du khách. Hằng năm, Bạch Mã đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến để tận hưởng không khí trong lành, được xem sự đa dạng sinh thái với sự hiện diện của những loài thú, chim muông quý hiếm đang sinh sống ở nơi đây.
Trĩ Sao
Đường lên đỉnh Bạch Mã
Được biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lập quy hoạch phát triển Bạch Mã thành trung tâm du lịch sinh thái nhằm khai thác hiệu quả kho tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất miền Trung.
Anh Trung
Gửi bình luận