Vùng ĐBSCL: Mỗi tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Để tạo sự đột phá, ngành “công nghiệp không khói” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển chung của du lịch Việt Nam, các tỉnh trong vùng đã cùng nhau kết nối, liên kết để phát triển. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, mỗi địa phương cần xây dựng được cho riêng mình những sản phẩm đặc thù…
Du khách trải nghiệm dịch vụ loại hình du lịch sinh thái miệt vườn
Tài nguyên trù phú nhưng chưa có điểm nhấn
Nhiều chuyên gia du lịch khẳng định, khu vực ĐBSCL có nhiều dư địa để phát triển du lịch với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển – đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và tính cách con người hiền hòa, đôn hậu, hiếu khách… đã hình thành nên những sản phẩm du lịch, thú vị, hấp dẫn du khách mỗi khi đến thăm.
Du lịch vùng ĐBSCL có thể xem là nhiều tiềm năng để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ĐBSCL chưa được khai thác một cách hiệu quả và tương xứng. sản phẩm du lịch còn trùng lặp, quảng bá chưa hiệu quả, nguồn nhân lực yếu và thời gian lưu trú ngắn.
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, 6 tháng đầu năm 2019, 13 tỉnh ĐBSCL đón 26triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khách lưu trú đạt 6,8 triệu lượt, tăng 18,7% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu đạt trên 13.552,9 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, chỉ riêng, Tp. HCM đã đón trên 16,5 triệu lượt du khách nội địa và 4,25 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch của thành phố đạt 73.000 tỷ đồng.
Tương quan về lượng khách ngay trong khu vực ĐBSCL cũng đã có sự khác biệt khá xa. 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đón 7 triệu lượt khách du lịch, Cần Thơ đón 5 triệu lượt khách du lịch thì Hậu Giang đón chưa được 300.000 lượt khách. Tổng thu du lịch của Kiên Giang đạt 4.245 tỉ đồng, Cần Thơ đạt 4.000 tỷ đồng thì Hậu Giang đạt có 91 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khẳng định, thế mạnh du lịch của vùng ĐBSCL là du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp cộng đồng và du lịch MICE.Tuy nhiên, theo nhận xét của của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, điểm nghẽn của du lịch miền Tây là các sản phẩm bị trùng lặp với miệt vườn, sông nước. Chính vì thế, “ĐBSCL nên là một thương hiệu thống nhất. Mỗi tỉnh phải phát huy một thế mạnh, bản sắc riêng, không trùng nhau”, ông Kỳ chia sẻ.
Cần xây dựng sản phẩm đặc thù mỗi địa phương
Theo chia sẻ của các công ty lữ hành, đối với khách du lịch đến từ miền Bắc, du lịch vùng ĐBSCL đang hình thành 3 tuyến điểm rõ nét là biển đảo với điểm nhấn đảo Phú Quốc; du lịch sinh thái – văn hóa Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau và tuyến đi Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang. Trên cơ sở 3 tuyến này, các tỉnh thành cần phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng và chào bán những sản phẩm đặc thù để hấp dẫn du khách, tránh trùng lặp.
Nhiều đơn vị lữ hành thừa nhận, dịch vụ tát mương bắt cá ở miền Tây hầu như tỉnh nào cũng có - Ảnh minh họa
Mới đây, Sở Du lịch Tp. HCM cũng đưa ra đề xuất 03 tuyến du lịch kết nối Tp. HCM với 13 tỉnh ĐBSCL theo tuyến xuyên tâm Tây Nam bộ, tuyến ven biển và tuyến vùng biên. Mỗi tuyến đều khai thác tối đa giá trị đặc trưng để tạo nên sự liên kết, kết nối, cùng khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, sản phẩm du lịch của từng địa phương góp phần gia tăng dịch chuyển nguồn khách trong vùng.
Đại diện một đơn vị lữ hành cho rằng, trong vài năm gần đây, các tỉnh miền Tây đã nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, tuy nhiên cần có những điểm đến mới để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Đơn cử như tuyến du lịch Cà Mau – Bạc Liêu – Cần Thơ. Điểm đến Bạc Liêu chỉ đơn thuần là điểm dừng chân để khách đến với ngôi nhà công tử Bạc Liêu. Tuy nhiên hành trình có thể kéo dài nếu lồng ghép giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử qua việc trải nghiệm giao lưu với khách, thăm chùa Xiêm Cán với nghệ thuật múa của dân tộc Khmer…
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VHTT DL Bạc Liêu, là quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nên Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển du lịch trải nghiệm nghệ thuật đờn ca tài tử kết hợp với giai thoại về “công tử Bạc Liêu” để thu hút khách.
Cũng theo chia sẻ của bà Vân, ngoài khám phá nghệ thuật đờn ca tài tử, tham quan cánh đồng điện gió… du lịch Bạc Liêu đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao bằng việc đưa du khách trải nghiệm dịch vụ câu tôm ở các vuông được nuôi bằng công nghệ cao. Như vậy, nếu liên kết với Cần Thơ và Cà Mau, du khách đi tour sẽ được trải nghiệm dịch vụ tát mương bắt cá ở Cần Thơ, câu tôm ở Bạc Liêu và bắt ba khía tại Cà Mau… Như vậy, nếu các tỉnh kết hợp xây dựng mỗi tỉnh một sản phẩm đặc thù, du lịch sinh thái đơn thuần sẽ không còn đơn điệu, trùng lắp.
Liên kết, hợp tác phát triển kinh tế là một hướng đi mới, mang lại những thành công cho nhiều địa phương, khu vực và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, liên kết, phát triển du lịch được xem là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng liên kết phát triển kinh tế. Sự liên kết này được xây dựng dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tự nhiên lịch sử, văn hóa và nhân văn phù hợp chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, vùng và địa phương.
Từ ngày 29/11 đến ngày 01/12/2019 tại Tp. Cần Thơ sẽ diễn ra Hội chợ du lịch quốc tế VITM Cần Thơ 2019. Đây là cơ hội để quảng bá điểm đến và các nét văn hóa đặc sắc của vùng ĐBSCL. Được biết, VITM Cần Thơ sẽ có khoảng 250 gian hàng với sự tham gia hơn 300 doanh nghiệp. |
Nguyễn Nam
Gửi bình luận