Võ sư Ngô Bông và bài Hùng kê quyền
Ông là người đặc biệt có uy tín trong giới võ lâm về võ học lẫn võ đạo, nắm vững yếu lĩnh bài Hùng kê quyền, một bài võ nổi tiếng của nghĩa quân Tây Sơn.
Mẹ mất sớm, cha bị quân Pháp bắt rồi mất tích nên từ nhỏ Ngô Bông phải về ở với nhà ngoại. Ở đó, Ngô Bông được hai cậu ruột là Lê Chót và Lê Thùy dạy võ Tây Sơn, vốn được truyền lại từ ông ngoại. Đến tuổi trưởng thành, ông theo học võ Thiếu Lâm với hai người thầy nổi tiếng ở Quảng Ngãi là Bảo Truy Phong (Gấu Già) và Lâm Võ.
Cũng như nhiều võ sinh lúc bấy giờ, Ngô Bông đã có nhiều lần thượng đài tỷ thí võ thuật. Ông từng thắng những võ sĩ tên tuổi thời ấy như Đinh Hổ (võ sĩ Campuchia), Đinh Đam (võ sĩ người Huế), Trực Hùng, Trực Ninh...
Suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ học, Ngô Bông vừa rất giỏi quyền cước, vừa sử dụng thông thạo nhiều loại vũ khí: đao, thương, kiếm, côn... Từ rất trẻ ông đã có biệt danh Lâm Hổ bởi sự trì học và đạt được độ uyên thâm trong việc thi triển các bài Hắc Hổ, Mãnh Hổ xuất sơn, Hắc Hổ hạ sơn, Ngọa Hổ phục lâm.
Để có bộ trảo như móng vuốt của loài hổ, Ngô Bông đã khổ công luyện thiết sa chưởng với cát và sỏi khiến 10 ngón tay ông cứng như thép, dẻo như đai da.
Nhiều danh sư trong làng võ khẳng định, ngoài bài Hùng kê quyền, Lâm Hổ Ngô Bông còn sở hữu nhiều bài quyền và binh khí mà làng võ Việt Nam không mấy người còn biết như Đệ nhất kim thương, Đệ nhị mai hoa thương...
Trong Hội nghị chuyên môn toàn quốc võ cổ truyền lần thứ 1 (năm 1993), bài Hùng kê quyền, được bình chọn vào danh sách các bài võ thống nhất (nằm trong thể thức thi đấu) của Liên đoàn võ thuật Việt Nam, cùng với ba bài khác là Lão Hổ thượng sơn, Tứ Linh đao và Thái Sơn tiên). Cũng từ hội nghị này lão võ sư Ngô Bông, người tuy không sinh ra trên vùng Tây Sơn - Bình Định nhưng vẫn được thừa nhận là truyền nhân chính thức của Hùng kê quyền, được giao trách nhiệm truyền dạy, hướng dẫn và phát dương quang đại bài quyền này trong toàn quốc.
Tương truyền Hùng Kê quyền do Nguyễn Lữ, người thứ 3 của “Tây Sơn tam kiệt”, sáng tạo để dùng cho nghĩa binh rèn tập trong giai đoạn đầu. Bài quyền này, theo thời gian và sự suy vi của triều đại Tây Sơn, đã phần nào bị mai một và không mấy người còn nhớ, ngoài những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian. Ngay thuở sinh thời của võ sư Trương Thanh Đăng (1895 – 1985), sư trưởng hệ phái võ Bình Định - Sa Long Cương, Hùng kê quyền cùng với Yến phi quyền (do Nguyễn Huệ sáng tạo), vẫn chỉ được dạy riêng trong nội tộc chứ không truyền ra ngoài.
Như những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những yếu huyệt của đối thủ nên Hùng kê quyền cực kỳ lợi hại trong đối kháng. Bộ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển biến ảo để hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.
Võ sư Ngô Bông đã nói về những điểm tinh túy của bài Hùng kê quyền: Các đòn đánh của bài quyền Hùng kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Đối phương bị vây đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp.
Vì uy lực của bài quyền nên võ sinh phải đạt đến trình độ nhất định về võ thuật để có đủ nội lực xuất chiêu và tránh sự nguy hiểm khi luyện tập.
Năm 2004, tại Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, trước 70 môn phái Võ thuật nổi tiếng của khắp các quốc gia, bài Hùng kê quyền do chính lão võ sư Ngô Bông thể hiện đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của tất thảy mọi người.
Võ sư Ngô Bông chọn lựa môn sinh rất kỹ lưỡng, do ông quan niệm ngoài việc dạy võ, người thầy phải dạy cho học trò cách sống ở đời. Ông thường tìm hiểu và thử thách người đến xin học võ một thời gian, nếu xét thấy siêng năng, cần cù, biết vâng lời, chung thủy, có tư cách, không tự ái, không bê tha tửu sắc thì mới chính thức kết nhận môn sinh.
Học trò của võ sư Ngô Bông có nhiều người thành danh từng đoạt huy chương vàng, bạc tại các giải võ cổ truyền Quảng Ngãi hoặc giải vô địch toàn quốc như Ngô Ân, Ngô Lâm, Ngô Sĩ, Ngô Ngân, Nguyễn Văn Thiều, Ngô Dung... Ông có 8 người con (bốn trai, bốn gái), đều được luyện võ, trong đó Ngô Lâm Em và Ngô Sỹ là hai người được giới võ học và đồng môn xem như truyền nhân của người cha nổi tiếng.
Với những đóng góp cho phong trào võ thuật, võ sư Ngô Bông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam mời làm cố vấn khi liên đoàn này mới thành lập.
Theo ông Trương Quang Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nguyên là Vụ trưởng Vụ thể dục thể thao quần chúng, nguyên Tổng thư ký đầu tiên của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam 1991- 2007, tác giả cuốn sách Đời người - Nghiệp võ (viết về 23 cao thủ của võ lâm có đóng góp tích cực cho phong trào võ thuật Việt Nam), võ sư Ngô Bông là “nhân vật số một trong làng võ đương đại”.
Lão võ sư Ngô Bông tạ thế ở quê nhà cuối năm 2011, thọ 84 tuổi.
Lê Hồng Khánh
Gửi bình luận