Vì sao tiếng chiêng lạc nhịp?
Từ lâu, du khách thập phương đều biết đến một bon (buôn) nhỏ nằm dưới chân núi LangBian huyền thoại (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương - Lâm Đồng) là miền “rượu ngon, gái đẹp”! Điều đặc biệt, trong phạm vi chưa tới một km2, nhưng bon nhỏ này có đến 12 nhóm chiêng của người Kơ Ho hoạt động thu hút khá đông du khách. Song, những năm gần đây, không gian ấy đã có vấn đề cùng những tiếng chiêng “lạc nhịp”…
Một chương trình biểu diễn cồng chiêng tại các Nhóm chiêng ở bon LangBian phục vụ khách du lịch.
Niềm tự hào của người bản địa
Không tự hào sao được khi đời sống vật chất của cư dân còn nghèo, điều kiện sản xuất, sinh hoạt còn những khó khăn nhất định; Song, nơi đây, đã xuất hiện hàng chục nghệ sĩ, ca sĩ “chân trần” chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo, hay bồi dưỡng nào đã sáng tác những ca khúc hay, cuộn trào, nồng nàn đậm chất Tây Nguyên; vút lên, bay qua buôn làng đến với các sân khấu chuyên nghiệp và thành danh! Không tự hào sao được, nhiều đoàn khách phương xa mỗi lần đặt chân lên thành phố thành phố sương mờ xinh đẹp của Đà Lạt đều phải “ghé” chân đến bon LangBian; bởi nơi này có nhiều sơn nữ đẹp, có giọng hát trong vắt như tiếng suối ban mai; lảnh lót như tiếng chim rừng mỗi sớm. Và, cồng chiêng - rượu cần đã từng
làm chênh chao bao nhiêu tao nhân mặc khách !...
Qua tìm hiểu, đa số các nhóm chiêng ở bon LangBian đều do một người, hoặc một nhóm (có thể họ hàng, anh em…) đứng ra góp vốn xây dựng, chọn vị trí “lập bản doanh”, mua sắm vật dụng, tập hợp “lực lượng” nghệ nhân đánh cồng chiêng, đặc biệt đội ngũ “vũ công” chân đất tham gia. Đó là những chàng trai, cô gái trẻ ngày ngày lên nương, xuống ruộng chăm bón, gieo trồng; tối về hóa thân thành những vũ công thực thụ trên sân diễn…
Cứ vậy, hơn chục năm qua hằng đêm, nhất là vào mùa du lịch Tây Nguyên (từ sau Tết Nguyên đán đến trước mùa cà phê chín - khoảng tháng 4 ÂL), bon LangBian rộn ràng tiếng chiêng và rập rình các đoàn khách du lịch từ khắp nơi đổ về.
“Ăn theo” hoạt động biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách là rượu cần và thịt nướng. Nhờ đó, nghề nấu rượu cần truyền thống có từ ngàn xưa ở bon này cũng đã phục hồi, phát triển. Theo chế độ mẫu hệ và sự “phân công” lao động trong gia đình người Kơ Ho (người chồng làm nương rẫy, người phụ nữ nấu rượu, dệt thổ cẩm…). Đêm đêm, cả Bon sáng đèn làm rượu cần để bán cho
các điểm biểu diễn cồng chiêng, kiếm thêm tiền…
Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào DTTS trong Lễ hội văn hóa cồng chiêng không hề bị thương mại hóa.
Tiếng chiêng… lạc nhịp
Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng, hiện nay trong toàn tỉnh có khoảng 200 đội, nhóm cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) hoạt động. Ngoài mỗi huyện, thành phố có một nhóm chiêng lớn quy tụ các nghệ nhân lớn tuổi, các đội, nhóm cồng chiêng còn lại hình thành tại hầu hết các xã, thôn, buôn của người dân tộc; kể cả những nhóm chuyên trong các trường học, hộ gia đình, tại một số điểm du lịch (Khu du lịch Đồi Mộng Mơ, Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà…). Hằng năm, Sở VHTTDL duy trì tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh nhằm bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa đặc trưng đã được UNESCO công nhận năm 2005.
Nét đẹp hoang sơ của việc biểu diễn cồng chiêng xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của cộng đồng người DTTS. Cồng chiêng và rượu cần không thể thiếu trong các hoạt động thể hiện trạng thái tình cảm: vui, buồn, sướng, khổ của người DTTS như: đón khách, mừng lúa mới, cưới hỏi, tang ma… vì sự cấu kết cộng đồng, dòng tộc không hề mang hơi hám kinh doanh, thương mại.
Song, những năm gần đây dưới tác động thực tế cuộc sống; nhu cầu thưởng thức của đông đảo khách du lịch ngày càng cao, nhu cầu kiếm tiền (chính đáng) của chủ nhân các điểm biểu diễn cồng chiêng và mặt trái tiêu cực xã hội đã làm biến tướng giá trị cốt lõi của hoạt động văn hóa cồng chiêng !
Trước đây, các đoàn khách tham dự biểu diễn cồng chiêng, được hòa chung, cùng nhảy múa theo điệu xoang bên ánh lửa bập bùng. Kết thúc đêm hội, đại diện đoàn khách trả một khoản tiền cho chủ nhân, gọi là tiền thưởng, chí ít “bù” vào chi phí đêm vui...
Đến nay, “phương thức” này đã quá lạc hậu! Trước hết, để cạnh tranh giữa các nhóm chiêng trong việc thu hút khách du lịch, chủ các điểm chiêng đã đầu tư tân trang thêm dàn âm li hiện đại, quảng bá khuếch trương “thương hiệu”. Dù vẫn dựa trên cái “nền” là biểu diễn cồng chiêng; song cho phép khách du lịch “giao lưu” các tiết mục tân nhạc xen lẫn; Khi đó, âm thanh được khuếch đại lên phá vỡ không gian đặc trưng hiện hữu của cồng chiêng. Mặt khác, cũng vì thu hút khách đã xuất hiện dạng “cò” - cò biểu diễn cồng chiêng. Nghĩa là, các đoàn khách du lịch muốn tham dự một chương trình biểu diễn cồng chiêng phải thông qua các “cò” này. “Cò” sẽ đăng ký số lượng khách chính thức tham dự, dàn xếp giá cả và trực tiếp làm hướng dẫn viên đưa các đoàn khách đến…
Bởi chi phí các khoản tăng lên, buộc chủ các điểm biểu diễn cồng chiêng tại đây phải “nâng giá” phục vụ. Hiện nay, khi tham dự một “sô” (gồm thịt nướng, rượu cần, thưởng thức biểu diễn cồng chiêng), giá từ 200 - 220.000 đồng/khách. (Có thể mặc cả)…
Nhiều nghệ nhân, già làng than rằng, tiếng cồng, lời chiêng của bon LangBian bây giờ nghe xa lạ, không còn thuần khiết như ngày xưa nữa (âm thanh bị pha trộn, lai tạp, hỗn độn) - lạc nhịp; cách thức biểu diễn đã khác; người biểu diễn và người thưởng thức cũng khác xưa…Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng đã công nhận “Tiếng chiêng trong các nhóm chiêng ở bon LangBian khác xưa nhiều lắm”!...
Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Với cách hành xử của các đơn vị cồng chiêng Lang Bian phục vụ khách du lịch đã, đang xâm hại trực tiếp đến di sản. Cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan để gìn giữ vốn di sản quý giá này không bị mai một. Đã đến lúc phải mạnh tay với sự tùy tiện của những người làm du lịch không bền vững ở đây.
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Gửi bình luận