Về xem rối cạn Lộc Hòe
Sau những ồn ào phố xá, tất bật công việc, tôi lại ao ước cuối tuần được trở về nhà, ghé sang làng bên để xem rối cạn.Đđó chính là một phần không thể thiếu của tuổi thơ tôi. Năm tháng trôi qua nhưng những làn điệu dân ca, trò diễn dân gian, đặc biệt là rối cạn với tôi chưa bao giờ là cũ và đi vào quên lãng, kể cả trong khi nhiều loại hình âm nhạc, giải trí mới xuất hiện, rối cạn vẫn chiếm trọn một vùng trong trái tim.
Ông Hữu Y và bà Tạ Tú diễn trích đoạn rối cạn Quê ta mở hội
Hồi nhỏ, mỗi khi thôn Lộc Hòe (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội) có hội là chúng tôi lại kéo nhau sang xí chỗ xem từ sớm, bởi ai cũng biết cả năm mới có lần diễn không xem được thì đúng là uổng phí. Nóng nực đến mấy mà có được chỗ ngồi chính giữa sân khấu thì cũng bõ công.
Đến bây giờ, đội rối cạn Lộc Hòe phần lớn vẫn là những thành viên ấy, họ đi diễn khắp nơi cho dù công lao chẳng được nhiều. Tôi may mắn tìm gặp được nghệ sĩ Hữu Y, đội trưởng đội rối cạn Lộc Hòe. Ông miệt mài cho tôi xem gần 40 con rối cạn do ông làm bằng đất, bột đá,gỗ và tự tay vẽ mặt, làm trang phục…
Rối cạn khác với rối nước là con rối được làm uyển chuyển hơn do có nhiều khuỷu và hệ thống dây gần hơn, đặc biệt các vở rối công phu như Quê ta mở hội, Đấu vật… Rối cạn thể hiện rất sinh động với bàn tay khéo léo và giọng ca mượt mà của diễn viên. Diễn viên múa rối cạn sẽ núp mình dưới một tấm rèm sân khấu cao khoảng 1m6 và một tay cầm trục rối, một tay cầm hệ thống cần điều khiển, vì vậy mà tiết mục rối nào lâu người diễn viên sẽ khá mỏi tay vì phải giơ tay liên tục.
Rối cạn được ít người biết đến hơn so với rối nước. Tuy vậy, ở Lộc Hòe vẫn được diễn đều đặn vào các dịp hội, tết… Mỗi buổi diễn người đến xem vẫn đông đúc, nhiều vở diễn đi diễn lại mà khán giả vẫn tấm tắc khen hay. Ông Y cho biết, bài diễn sáng tác dựa chủ yếu trên tích xưa để lại, vì thế mà rất gần gũi với người dân, chúng tôi chỉ cần biên đạo và ghép nhạc là có thể có một tiết mục mới trình diễn cho dân làng xem.
Đội rối cạn Lộc Hòe hiện nay có khoảng 20 người, họ chủ yếu là nông dân đam mê diễn rối cạn. Tuần 2 buổi, họ tụ tập nhau lại và tập diễn, người cao tuổi nhất cũng ngoài 70, người trẻ nhất mới 18. Điểm chung giữa họ là tình yêu vô bờ bến với môn nghệ thuật dân gian được sinh ra ngay trong ngôi làng họ sinh sống.
Giờ đây, khách đến với Lộc Hòe có thể liên hệ trực tiếp với đội rối cạn hoặc lãnh đạo thôn là ngay lập tức có thể thưởng thức rối cạn vì đội luôn trong tư thế sẵn sàng công diễn. Đến với Lộc Hòe, du khách sẽ được làm quen với những nghệ sĩ chính là những người dân trong làng thân thiện, hiếu khách và đầy chất phác. Mặc dù không phải những người làm du lịch chuyên nghiệp họ nhưng sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ tại nhà cho du khách như những người bạn, đặc biệt với những ai đến để xem và tìm hiểu về rối cạn.
Không chỉ thực hiện tốt việc bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống, Lộc Hòe đã và đang phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Nguyễn Văn Công
Gửi bình luận