Về vấn đề quốc phục Việt Nam
T |

Áo the, khăn xếp - trang phục nam truyền thống - ảnh tư liệu minh họa
Ở nước ta, là một nước đang phát triển, nhưng các nghi thức lễ hội truyền thống vật thể và phi vật thể vẫn phải giữ gìn, phát huy tác dụng, đó là sắc thái riêng có của người Việt, trong đó có trang phục. Trang phục là một sản phẩm văn hóa vừa có tính vật thể, vừa có tính phi vật thể do con người sáng tạo ra để phục vụ con người và nó phải thích ứng với cách thức lao động sản xuất mà trước hết nó bị tác động bởi cách thức thao tác sản xuất nông nghiệp cùng người Việt trong nhiều thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu chúng ta tạm thời loại bỏ tính cục bộ về không gian và thời gian mang tính cực đoan thì việc tìm quốc phục sẽ có kết quả tương đối sẽ được công chúng chấp nhận. Quốc phục trước hết phải là sản phẩm trang phục cho con người sử dụng trong xã hội, được thể hiện mấy tiêu chí sau:
Một là, trang phục được tuyển chọn làm quốc phục nó đã được phổ biến rộng rãi trên ba miền Việt Nam và không giống về hình dáng, kiểu cách, chất liệu bất kỳ một nước nào trên thế giới.
Hai là, trang phục đó phải được nhân dân ta tôn vinh yêu quý sử dụng lâu đời và nhất là trong nghi thức lễ hội truyền thống từ trung ương đến địa phương, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài.
Ba là, chất liệu để làm quốc phục phải là bằng chất liệu lụa tơ tằm truyền thống và có thể là chất liệu mới tương tự.
Bốn là, trang phục truyền thống đó phải có kiểu dáng, cấu trúc mỹ thuật tạo hình hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt, màu sắc trang nhã, họa tiết lịch sự văn minh và do nhân dân ta sáng tạo ra.
Nếu trang phục truyền thống mà bao hàm các yếu tố trên thì có thể tìm ra được “quốc phục”. Không thể hoàn mỹ vì mọi sự vật và hiện tượng đều phản ánh tính tương đối có khuyết, có ưu, có tính ít phổ biến và có tính phổ biến, ta có thể tìm được tính phổ biến để ứng dụng. Ví như người ta thường mặc áo the đối với nam, đó là đặc trưng, không nhất thiết nam giới phải mặc quần trắng ống rộng như xưa, đây là vấn đề nhạy cảm của văn hóa mặc tiên tiến.
Áo dài truyền thống - ảnh tư liệu minh họa
Vấn đề này được cụ thể như thế nào cho việc định hướng quốc phục nam và nữ đi vào cuộc sống, khi mà đã loại trừ những trang phục không tiêu biểu theo tiêu chí trên. Vì vậy chỉ còn áo the nam, áo dài nữ hiện nay xã hội ta đang sử dụng rộng rãi. Cách thức tạo hình của chiếc áo dài cho nữ, áo the cho nam, không những thể hiện những sắc thái riêng cho con người mà còn riêng của văn hóa trang phục Việt. Ở nước ta có nhiều dân tộc anh em sinh sống và mỗi dân tộc đều có riêng trang phục truyền thống của mình nên việc lựa chọn trang phục có ý nghĩa tiêu biểu để làm quốc phục là rất cần thiết. Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu xã hội, sử học, văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc dân tộc học và cả những nhà tạo mẫu quần áo đều đưa ra những khái niệm không đồng nhất về trang phục lễ hội, trang phục dân tộc, trang phục truyền thống và họ cho rằng hiện nay chưa có loại trang phục nào tiêu biểu để chọn làm quốc phục.
Trong thực tế những ngày lễ hội, kể cả tập thể, cộng đồng, dòng họ, gia đình, tiệc cưới,… người ta thường thấy nữ mặc bộ quần áo dài, đầu đội mũ tân thời, chân đi guốc, nam giới mặc áo the, quần trắng, đầu đội khăn xếp, chân đi giày,… hình thức này đã đi vào nghi thức lâu lắm rồi cho đến ngày nay như một di sản văn hóa truyền thống Việt không thể thiếu được!
Để tìm một mẫu hình, một biểu tượng, biểu trưng rồi thỏa mãn cho nhiều người, nhiều tầng lớp thật là khó, đâu có đạt được tính bao trùm về đặc trưng riêng có ở Việt Nam.
Chỉ nói về áo dài nữ Việt Nam, người ta cảm nhận được cấu trúc tạo hình không ở nơi nào có được kể cả các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… Mỗi khi thiếu nữ mặc chiếc áo dài lại tăng thêm sức hấp dẫn đến lạ kỳ. Những đường cong, đường lượn của nếp may cộng với màu sắc rực rỡ, êm dịu đã tạo thêm giá trị thẩm mỹ duyên dáng của người thiếu nữ trong ngày hội, ngày vui của dòng họ, gia đình. Cách tạo hình cổ áo dài nữ giống như cánh hoa hồng cách điệu gắn liền với bộ ngực mà tà áo dài góp phần trang nhã hài hòa trong tổng thể cấu trúc nghệ thuật của người thiếu nữ Việt Nam. Và vì vậy trong các tác phẩm mỹ thuật thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị,… đã phản ánh một cách rất sinh động, thẩm mỹ của thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống.
Mấy thập kỷ nay, nhà nước đã cho phép tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn về quốc phục nhưng chưa có tiếng nói chung và cũng chưa có hồi kết, còn bỏ ngỏ theo năm tháng. Vấn đề mà công chúng đặt ra là nhiều nước trên thế giới họ đã có quốc phục sao một nước như Việt Nam ta đã có bề dày lịch sử hằng nhiều thiên niên kỷ, một nước được gọi là văn vật, văn hiến mà sao không chọn ra được quốc phục để trình làng.
Hoàng Hoa Mai
Gửi bình luận