Về Cao Bằng thăm làng hương Phia Thắp
Nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đã được truyền qua nhiều thế hệ và cả làng ai cũng biết làm hương.
Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi là cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) đế làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai.
Để có được cây hương, người Nùng An phải qua nhiều công đoạn. Cây mai vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa được cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm. Việc chẻ mai được làm thủ công bằng tay, sao cho que hương được vót nhỏ và tròn đều. Lá cây bầu hắt mọc tự nhiên bên những vách đá được bà con thu hái về, phơi khô, tán nhỏ và dùng làm chất keo kết dính tự nhiên. Đem lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo xát nhỏ, trộn với mùn cưa. Nhúng que mai vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính, sau đó tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để có được que hương. Không được dùng quá nhiều chất kết dính, cây hương sau khi được nhúng keo thì đem lăn qua lớp bột mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần, và phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều. Hương của người Nùng An không sấy bằng lò, mà được phơi tự nhiên. Góc sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương. Nắng lên, làng hương Phia Thắp đâu đâu cũng có những bó hương xoe tròn được phơi khắp sân nhà... Sau khi phơi khô, chân hương thành phẩm được nhuộm màu đỏ, bó thành từng bó 20 cây. Mọi người đều có thể tham gia sản xuất và mang hương đi bán vào những ngày chợ phiên hoặc phục vụ du khách tham quan tại các điểm đến tâm linh.
Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An - một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc ở vùng công viên địa chất Non Nước Cao Bằng.
Hằng Lê
Gửi bình luận