Vấn đề bảo hộ thương hiệu khách sạn?
Tôi đến học tập, làm việc và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Gần đây, có dịp gặp gỡ đối tác, khách hàng và bạn bè (cuối tuần, sinh nhật…) tại chuỗi nhà hàng, khách sạn có thương hiệu là “A” khá nổi tiếng. Nhân dịp Tết đến, tôi muốn về quê (Quảng Bình) đầu tư, kinh doanh lĩnh vực khách sạn với “quy mô thu nhỏ” và đặt tên là khách sạn “A”. Xin Luật sư cho biết, tôi có thể đặt tên khách sạn của mình trùng tên với khách sạn “A” được không? Cảm ơn Luật sư. (Bạn đọc Hải Đăng, Quảng Bình).
Park Hyatt Saigon-một trong những khách sạn có thương hiệu tại TP.HCM - ảnh có tính chất minh hoạ của Thanh Tùng
Trả lời:
- Thông thường, chủ sở hữu đã xây dựng, đầu tư, kinh doanh và phát triển thành một chuỗi nhà hàng, khách sạn có thương hiệu thì họ đã tự ý thức được việc phải tiến hành đăng ký bảo hộ sớm để bảo vệ được thương hiệu cho chuỗi nhà hàng, khách sạn của mình. Với chủ sở hữu, việc bảo hộ tên gọi thương hiệu không chỉ đơn thuần kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ của đất nước.
Trường hợp bạn có ý định đầu tư, kinh doanh khách sạn tại địa phương và đặt tên trùng với thương hiệu khách sạn “A” thì theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:
“Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. …”
Đồng thời, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này. …” Khoản tiền phạt có thể lên đến 200.000.000 đồng nếu giá trị dịch vụ bị vi phạm đạt 500.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng thêm hình thức hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc phải thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mở khách sạn đặt tên thương hiệu trùng với thương hiệu khách sạn của bạn mình nếu như có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
“1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. …”
Luật sư Lê Anh Trung
Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung; Email: vplsleanhtrung.q1@gmail.com
Gửi bình luận