Uống nỗi nhớ chè xanh
Mỗi lần về quê bước xuống ngã ba đầu xóm nơi đứa em gái của tôi dựng cái quán nhỏ bán hàng tạp hóa; gặp o Sen hàng xóm cũ khi mô cũng được nghe cái câu thật thân thương: “Mi đã uống nước chè xanh chưa rứa?”. Rứa là tôi bước vô nhà o tìm tới cái bàn nơi góc nhà và rót ra một ly nước chè xanh uống ngon lành.
Thực ra, tôi chưa phải là đứa nghiện nước chè xanh bởi ở phố có khi cả tháng tôi không đụng đến ngụm nước chè xanh thì cũng chẳng sao. Nhưng cứ về quê là thèm uống nước chè. Nếu có ấm chè xanh ở nhà thì rót ra hiên bắc ghế ngồi ngó vườn và uống chè xanh; khi nhà không có thì xuống nhà o Sen. Mà trước khi vô lại Huế nhất quyết phải ghé lại nhà o Sen uống thêm vài ly nước chè mới chịu. Đi chạp họ, ngó ra bên vườn thấy cả một thùng nước chè xanh đang bốc khói, rứa là tranh thủ uống một ly nước chè xanh thơm mùi gừng trước khi ngồi với mâm heo xôi. Mới đây tình cờ đọc cái tạp bút của một nhà văn kể về câu chuyện “ăn” nỗi nhớ tôi mới chợt nhận ra mình thèm nước chè xanh mỗi khi về quê nhà là “thèm uống” nỗi nhớ chè xanh...
Nhớ từng bó chè xanh của nội tôi gánh mỗi buổi sáng ra chợ. Bán chè xanh lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng được cái nhà tôi luôn có sẵn chè xanh để uống hàng ngày. Quê tôi đất cát nên không trồng được cây chè, để có chè xanh bán, bà nội cùng với mấy mệ bạn hàng nữa ở trong làng thức dậy khi chuông chùa làng điểm canh ba ra bến Chợ theo đò ngược dòng Ô Lâu lên chợ Mỹ Chánh (Quảng Trị) mua chè. Mỗi lần rứa nội mua chừng 2-3 bó chè to rồi chia ra từng bó chè nhỏ, cùng với mớ lá trầu xanh, mấy buồng cau, mấy xâu thuốc lá Phong Lai… để bán dần qua các phiên chợ làng buổi sáng. Lời lãi chẳng bao nhiêu, lại thức khuya dậy sớm nhưng đó là niềm vui của tuổi già của nội vốn đã quen với không khí của chợ của đò từ thời con gái đến khi lấy chồng sinh con đẻ cái .Đến khi già yếu, không đi xa được nữa, nội vẫn mua lại chè xanh của người khác để bán, chủ yếu là có chỗ ngồi ở chợ để được bán, được mua, để được nghe chuyện này chuyện nọ trong làng, trong xã là được…
Cũng nhờ vào gánh chè xanh của nội nên nhà tôi có thể thiếu thịt, thiếu cá nhưng không thể thiếu nước chè xanh hàng ngày. Tôi còn nhớ, vào những buổi tối thứ bảy, sau bữa cơm chiều, mẹ tôi lại vo chè, nấu nước chuẩn bị pha cho ba và mấy bác hàng xóm một ấm chè xanh mới để ngồi lại chuyện trò cuối tuần.
Mà không phải ai cũng chế nước chè ngon cả. Theo lời của mạ tôi thì để có ấm nước chè nước vừa xanh, vị vừa chát vừa ngọt phải lựa những lá chè nhỏ có màu xanh ngả vàng; mùa mưa thì chế nước mưa được chưng cất lâu ngày là ngon nhất; mùa Hè thì lấy nước mội (lỗ nước phun từ chân độn cát) hoặc nước giếng trong thì nước chè mới vừa ngon, vừa đậm đà…Tất nhiên, cùng với chè, phải đập thêm mấy múi gừng tươi cho vào ấm nước mới đủ vị và để nước chè ngon còn phụ thuộc vào tay người vò chè nữa…
Nhớ cái lồng ấp được đan bằng sợi nhựa rất khéo, bên trong là lớp vải lụa sa tanh màu vàng óng. Mạ thường vo chè cho vào cái ấm sành rồi để trong cái lồng ấp để nước chè luôn được ấm nóng. Cái ấm sành màu trắng đục, có vẽ hình ông Thọ, cô Tiên, chú Tiểu đồng và con nai nhìn rất hiền không biết có nhà nào ở quê còn giữ lại được đến bây giờ không? Cái ấm sành luôn cho nước chè vàng sóng sánh và nước luôn ấm đó hồi trước hầu như nhà mô cũng có cả. Cũng như nước trà, nước chè xanh chỉ được chế trong ấm sành mới ngon, mới chất.
Những ngày trời lạnh, tôi vẫn thích nhất cái trò chơi của riêng mình đó là áp má vào chiếc bình sành còn ấm. Cái nỗi nhớ ấu thơ có lẽ được bắt đầu từ đó nên bây chừ cứ về quê là thèm “uống” nỗi nhớ nước chè xanh...
Phi Tân
Gửi bình luận