Tỷ phú gà tây
Gà tây, còn có tên gà lôi (tên khoa học Meleagris Gallopavo) có nguồn gốc từ gà tây rừng sống ở Bắc Mỹ và Mêxicô. Trước đây, người Đà Lạt rất xa lạ với loại gà to lớn, trông khác thường, có nguồn gốc hoang dã; nhưng hiện nay loại gia cầm này được nhiều người biết đến gắn với tên một tỷ phú nông dân có biệt danh: “Hải gà tây”…
Đưa gà tây lên rừng
Anh Hải kể, anh và vợ là người Cần Thơ, năm 1990 đưa nhau lên Đà Lạt lập nghiệp. Ngày ngày, vợ trồng rau (xà lách soong), chồng chở ra chợ bán và lúc rỗi nhàn chạy xe thồ. Nhân một lần về thăm Cần Thơ, anh mang mấy con gà tây về Đà Lạt nuôi chơi cho vui và giữ nhà (loại gà này kêu rất to khi thấy động hoặc có người lạ). Anh Hải phát hiện gà tây dễ nuôi, lớn rất nhanh nhờ khí hậu mát mẻ, Đà Lạt lại có nhiều loại rau xanh (thức ăn khoái khẩu của gà tây). Anh bàn với vợ và quyết định mở rộng, nhân lên nuôi thành đàn. Lứa gà đầu tiên nuôi “thử nghiệm” 70 con cho kết quả rất tốt. Sau 6 tháng, gà trống có trọng lượng từ 8 - 9 kg; gà mái khoảng 4 kg; chừng 7 tháng tuổi, gà mái bắt đầu đẻ trứng (mỗi lứa một gà mái đẻ từ 20 - 40 quả trứng) và ấp nở thành gà con.
Nhận thấy hiệu quả chăn nuôi gà tây có hướng phát triển tốt cho thu nhập cao, điều kiện chăn nuôi chuồng trại lại dễ dàng, vợ chồng anh Hải gia tăng số lượng con giống, tăng đàn. Anh Hải đã tự nghiên cứu, sáng chế ra máy ấp trứng bằng điện công suất ấp trên 500 trứng/mỗi lần. Gà con vừa nở được anh tách ra và nuôi trong lồng kín gió, được sưởi ấm bằng bóng đèn điện, chăm sóc gần 1 tháng tuổi là có thể bán con giống hoặc nuôi đại trà…
Biệt danh “Hải gà tây”
Đàn gà tây của anh Hải có lúc gần 3.000 con gà thịt, hàng trăm gà giống và vài ngàn gà con. Nhờ ấp và lai giống thành công các loại gà, trong vườn của anh Hải còn chăn nuôi hơn 100 gà rừng, vài cặp công xanh Việt Nam, vài cặp trĩ đỏ và trĩ 7 màu. Anh cho biết, những cá thể mới này đều được anh tìm mua trứng (có khi gởi mua ở nước ngoài) về và ấp nở thành công. Riêng gà rừng, anh mua con giống về cho lai với gà nhà (giống gà tre) đẻ ra gà rừng lai. Hiện anh đang có hơn 100 con giống chuyên đẻ trứng và ấp nở gà rừng con bán cho các nhà vườn, du khách có nhu cầu mua với giá rất cao.
Những năm trước, người Đà Lạt và du khách chưa quen với thịt gà tây, anh Hải đã tự mang thịt gà tây (anh tự quay) tiếp thị các nhà hàng; khách nước ngoài rất ưa chuộng và dần dần khách trong nước cũng thích thú nên một số nhà hàng đã đưa thịt gà tây vào thực đơn cho khách lựa chọn. Hiện nay, 5 nhà hàng lớn ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng đã ký hợp đồng lấy hàng thường xuyên của anh Hải. Dù tại Đà Lạt đã có 10 cơ sở vệ tinh của anh Hải chăn nuôi gà tây (gà giống, công nghệ chăn nuôi do anh Hải cung cấp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm), nhưng “cung” vẫn chưa đáp ứng được “cầu” của các nhà hàng và người dân xung quanh. Đặc biệt, món thịt gà tây càng ngày thu hút nhiều người nước ngoài, góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt…
“Đầu ra” của sản phẩm thịt gà tây có nhiều hứa hẹn làm giàu nên anh Hải tập trung vốn đầu tư mở một lúc hai trang trại chăn nuôi tại xã Đạ Ròn (Đơn Dương) diện tích 1 ha và trang trại khác 1,5 ha tại thôn K’Long, xã Hiệp An (Đức Trọng). Anh còn dự định mở một nhà hàng chuyên chế biến thịt gà tây các món tại Đức Trọng phục vụ khách du lịch mỗi khi đến Đà Lạt du lịch.
Trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi gà tây, anh được bạn bè và người dân đặt biệt danh “Hải gà tây”. Mỗi tháng thu nhập của anh từ việc bán gà thịt, gà giống các loại trên 80 triệu đồng; vào thời điểm lễ, tết, mùa du lịch Đà Lạt… mức thu nhập còn cao hơn. Ngoài ra, vườn rau của anh mỗi ngày cũng thu về 4 - 5 triệu đồng. Mỗi năm, (trừ chi phí và trả công cho lao động), tỷ phú này tích lũy trên 1 tỷ đồng…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Gửi bình luận