Từ chợ Rồng đến ngõ Văn Nhân
Ngôi nhà số 7 Bến Ngự còn có tên Cổ Mai Trang (Vườn hoa mai). Tại đây gia đình Trần Bích San có hẳn một vườn hoa mai với đủ loài mai quý từ khắp nơi sưu tầm về. Vẻ đẹp của hoa mai có khả năng mê dụ, quyến rũ tao nhân mặc khách. Những tên tuổi lớn của văn hóa nước nhà như Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (thầy Trần Bích San), Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (bạn đồng khoa với Trần Bích San), Tiến sĩ Vũ Phạm Khải (bạn vong niên với Trần Bích San)...
Chợ Rồng ngày nay (Ảnh TL)
Gia tộc họ Trần này lại thông gia với gia tộc họ Hoàng danh giá trong huyện Ý Yên. Họ Hoàng có những nhân vật văn học tiếng tăm như nhà văn Chu Thiên, tác giả tiểu thuyết “Bóng nước Hồ Gươm” nổi tiếng; nhà thơ Nhượng Tống, người đã chuyển ngữ thành công các tác phẩm “Trang Tử”, “Ly tao”, “Tây sương ký” từ tiếng Hán sang tiếng Việt cũng thường đến đây hội ngộ. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương siêng năng có mặt ở địa chỉ này bởi ông yêu hoa mai đến độ si mê. Nhạc sĩ Văn Cao, sau thời gian dài dâu bể, năm 1989 ông cùng vợ trở về thăm quê Nam Định. Trong nhiều địa chỉ mà tôi đưa vợ chồng ông ghé thăm không thể bỏ qua chợ Rồng và ngõ Văn Nhân. Ngày cuối cùng Văn Cao bảo chúng tôi đưa ông đến Cổ Mai Trang của Trần Bích San. Đến đây ông ngắm nhìn cảnh vật với vẻ man mát buồn, rồi hỏi người cán bộ văn hóa phường: “Cây bạch đào còn không?”. Hóa ra Văn Cao từng đọc bài thơ ứng tác của Nguyễn Bính nói về cây Bạch Đào trong Cổ Mai Trang. Người ta trả lời rằng, không còn. Văn Cao tỏ ra vô cùng tiếc nuối, nói với gia chủ: “Bạch đào là cây hoa quý, nếu có thể sưu tầm lại được nó, trồng vào đúng chỗ cây bạch đào xưa, sẽ rất ý nghĩa…”.
Nơi ngõ Văn Nhân tiếp giáp với phố Trần Hưng Đạo là khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, gọi là nhà thờ Lớn, phía Nam nối với sân nhà thờ là phố Hàng Cau, nơi sinh nhà văn Nguyên Hồng. Cha mẹ giữa đường đứt gánh, Nguyên Hồng có những năm tháng tuổi thơ lam lũ, nhọc nhằn. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa. Những khi mắc mớ với người bố dượng, bị đánh đòn khốc liệt, Nguyễn Hồng thường chọn ngôi nhà thờ này làm nơi nương náu tinh thần.
Nam Cao cũng theo đạo Thiên Chúa. Gia đình ông ở làng Đại Hoàng, cách thành phố Nam Định gần chục cây số. Làng Đại Hoàng có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải truyền thống, quan hệ mật thiết với nhà máy Dệt Nam Định. Tuổi thơ Nam Cao theo cha xuống Nam Định học trường Thành Chung, ngôi trường được thiết lập ngay trên nền đất Trường Thi xưa. Cha con ông ở số nhà 42c, phố Hàng Đàn. Nhà văn Tô Hoài có lần kể với tôi rằng một lần về chơi với Nam Cao ông đã được bạn mời đi đến nhà thờ lớn dự lễ Phục sinh. Nam Cao yêu thành phố này nên trước ngày đi tham gia kháng chiến, ông dặn vợ, sau này hết chiến tranh mà ông không về thì bà nên chuyển xuống Nam Định ở cho các con có điều kiện học hành, thi thố. Bà Trần Thị Sen đã thực hiện đúng như ước nguyện của chồng, hết chiến tranh chống Pháp, bà đã chuyển cả nhà xuống ở trên một gác hai, ngôi nhà cổ trên đường Lê Hồng Phong, Nam Định. Ba người con của ông bà đều theo ngành dệt.
Bên kia cổng chợ Rồng là phố Hàng Đồng, nơi có ngôi nhà của người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong. Đặng Thế Phong cũng theo đạo Thiên Chúa. Mới 24 tuổi ông đã về với cát bụi nhưng kịp để lại cho nhân gian ba nhạc phẩm sống mãi với thời gian: “Đêm thu”, “Giọt mưa thu” và “Con thuyền không bến”.
Chợ Rồng xưa (Ảnh TL)
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có một thời gian dài về dạy học trường Thành Chung - Nam Định. Nhà văn ở trên căn gác xép của căn nhà có tên Bùi Chu thuộc một con phố nhỏ ngay sát phía Đông Nam chợ Rồng. Hàng ngày từ trường về, ông vẫn ngồi trên căn gác này sáng tác văn chương trong tiếng lao xao mua bán dưới chợ. Rồi một hôm có người nông dân rách rưới từ Ninh Bình ra, tìm đến căn gác xép ấy kể cho Nguyễn Công Hoan nghe chuyện cuộc đời cùng cực của mình, đó là chất liệu để nhà văn sáng tác tiểu thuyết “Bước đường cùng”…
Nguyễn Bính càng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Chợ Rồng và ngõ Văn Nhân. Sau những năm tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, hội tụ bạn bè, lập ra báo Trăm Hoa. Tờ báo bán rất chạy, nhưng chỉ được 4 số là phải đình bản vì có liên quan đến Nhân văn Giai phẩm. Nguyễn Bính trở về quê với hai bàn tay trắng và một tâm trạng tan nát, u hoài. Một lần một mình vào chợ, Nguyễn Bính nhìn thấy một thiếu nữ không còn trẻ, cũng không xinh đẹp, nhưng ông đặc biệt chú ý đến nàng bởi nàng đang đọc cuốn “Lỡ bước sang ngang” của ông. Hồi ấy, tập thơ này của Nguyễn Bính bị cấm. Trong tâm trạng cô đơn lạnh lẽo, ông đã bị cảm kích run rẩy xúc động khi nói chuyện với nàng. Cuối cùng thì ông đã cầu hôn nàng. Đó là bà Lai. Bà lấy ông, tôn thờ và cưu mang ông. Họ có với nhau một con trai. Song, hạnh phúc của họ cũng không kéo dài được bao lâu. Chu Văn và Tào Mạt có môi trường công tác và tước vị khác nhau.
Chu Văn, tác giả bộ tiểu thuyết “Bão biển” gây chấn động một thời, nhiều năm giữ cương vị Trưởng Ty Văn hóa. Tào Mạt là quân nhân, thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy là tác giả những vở kịch nổi tiếng như “Anh lái xe và cô chống lầy”, “Đường về trận địa”, bộ ba tác phẩm lịch sử “Bài ca giữ nước” và mang hàm tới đại tá nhưng chưa bao giờ Tào Mạt có chức vụ gì ngoài cái danh nhà văn - kịch tác gia. Trong một chuyến đi thực tế ở Trường Sơn hai ông đi cùng đoàn và trở nên thân thiết, tri âm tri ngộ. Vợ con Tào Mạt ở Nam Định, mỗi lần từ Hà Nội về ông không thể không đến thăm Chu Văn cho dù chỉ là để nhìn thấy nhau. Tào Mạt còn viết đơn xin gia nhập Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh để có lý do gần gũi với Chu Văn hơn. Tào Mạt viết lời bạt cho tiểu thuyết “Giáp mặt” của Chu Văn bằng thơ chữ Hán: Xuân lai đào lý mãn phương viên/ Chu lão văn chương nhật thậm duyên/ Thế cụ như kim ưng đối diện/ Tảo thanh yếu hữu xuyết cương chiên. Tạm dịch: Vườn xuân ăm ắp mận chen đào/ Văn bác Chu Văn vẫn cứ hào/ Cuộc thế ngày nay còn “Giáp mặt”/ Phảỉ dùng roi sắt quất cho đau. Tào Mạt có một quan niệm đã thành lẽ sống của ông: đã làm quan thì không làm hề, đã làm hề thì không làm quan!
Dịp Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ năm, tháng 7 năm 1995, ở tỉnh Nam Hà khi ấy có Chu Văn, Đoàn Văn Cừ và tôi là hội viên. Tào Mạt trong quân đội nhưng vì là hội viên Hội VHNT tỉnh nên vẫn được mời về để Bí thư Tỉnh ủy gặp mặt và “dặn dò” cả bốn người. Cái buổi chiều trước khi về Hà Nội dự đại hội, bốn chúng tôi đi dạo chợ Rồng. Lúc quay về chúng tôi vào quán phở Xuyến trong ngõ Văn Nhân. Quán phở Xuyến có món nạm bò để uống bia thì miễn chê. Chúng tôi ăn phở chỉ là một nhẽ. Cái nhẽ chính là thưởng ngoạn cái linh khí văn chương từ bao đời vọng về. Bữa ấy Chu Văn và Tào Mạt nói chuyện rất hay. Văn chương cổ kim đông tây thì hai ông xứng đáng là bậc thầy của kẻ hậu sinh như tôi. Đoàn Văn Cừ, tác giả bài thơ “Chợ tết” nổi tiếng bị điếc đặc nên ông chỉ nhìn miệng hai đại gia nói mà gật gật đầu cười nhân hậu.
Giờ đây, tuy đã xa, nhưng mỗi khi nhớ về những kỷ niệm vui có, buồn có, tôi vẫn thầm cám ơn thành phố Nam Định, nơi cung cấp nguồn năng lượng cho tôi cầm bút cho đến hôm nay.
Bút ký của Lê Hoài Nam
Gửi bình luận