Từ chiếc cốc cũ
Chủ nhật rỗi rảnh tôi dọn dẹp cái tủ sách. Bỗng trong xó tối ít khi chạm tới tay tôi đụng phải chiếc ly (cái cốc) cũ bụi bặm. Ký ức xưa cũ ùa về như một cơn gió tê người. Chiếc ly nhỏ bé chứa bao kỷ niệm vụn vặt mà không thể nào quên.
Lần đầu mới ra trường, đi xa khỏi thành phố. Tôi “chân ướt chân ráo” về vùng biển hẻo lánh. Dân nghèo đến nỗi mùa biển động phải ăn “xương rồng”. Tôi ở nhờ trong một gia đình làm nghề mua bán cau. Họ thuộc hàng khá giả trong vùng. Nửa năm trời nắng ráo họ mua bán cau tươi. Người bán cau khó khăn họ sẵn sàng ứng tiền cho mượn không tính lãi. Họ mua cả vườn cau hàng trăm cây. Đến mùa mưa chế biến thành cau khô bán ra Bắc, sang Trung Quốc.
Giàu thế mà vẫn giữ nghề truyền thống của địa phương là nấu rượu và nuôi heo nái, heo thịt. Hàng tháng tiêu chuẩn lương thực (gạo ít, màu nhiều) tôi đưa về chủ nhà đem làm thức ăn cho…heo. Bao nhiêu năm sống với họ tôi chưa ăn cơm độn (khoai sắn) bao giờ. Tay hòm chìa khóa mỗi khi đi buôn bán xa họ đưa tôi giữ. Bởi mấy cậu “quý tử” của họ hiền lành, nhưng máu me cờ bạc.
Bác gái bảo thương tôi giống như cậu con trai cả; đã theo cách mạng lên núi và hy sinh vì bom B52. Bác trai là một chủ nhân thầu xây dựng đi đó đi đây. Về nghề khảm sành sứ rất nổi tiếng; tiền công cao ngất. Thú vui của ông là mượn chén rượu giải khuây mỗi chiều về. Ông rất nghiêm nên con cháu ngại gần gũi. Chả biết lấy ai đối ẩm ông chọn tôi. Ở thành phố tôi mới tập tành cà phê, thuốc lá. Bia cũng chưa biết uống.
Thế là những ly rượu, “tản mạn” đầu đời tôi học từ con người dày dạn trường đời ấy. Hàng giờ liền được nghe biết bao điều không sách vở nào dạy. Bác ấy đi nhiều, biết nhiều. Từ phong tục, tập quán đến ẩm thực, du lịch trên núi xuống biển đều rành mạch.
Nơi tôi sống nổi tiếng nhất cố đô có nghề nấu rượu. Ngon tầm cỡ như rượu “làng Vân” Bắc Ninh. Tên làng cũng là thương hiệu “Hà Thanh”. Cái tên dịu dàng, gợi hình ảnh một giòng sông trong xanh tinh khiết. Làng nằm khoảng giữa phá Tam Giang- Cầu Hai.
Được thiên nhiên ban cho những mạch nước ngầm dồi dào, ngọt lịm. Đào sâu chừng vài mét là nước giếng đã trào dâng bất tận. Nhờ nguồn nước ngầm tự nhiên ấy, ruộng đồng, vườn tược tốt tươi, mùa nào thức ấy. Để lấy phân chuồng trồng trọt, nhà nào cũng nuôi heo nái, heo thịt. Họ nấu rượu để lấy hèm làm thức ăn cho đàn heo.
Theo người già rượu ngon nhờ hai thứ men và nước. Men rượu làm từ nhiều loại thuốc đông y. Giữ bí mật, người ta chỉ mua mỗi vị thuốc ở một tiệm và luôn luôn thay đổi chỗ mua. Mua về, đóng kín cửa, pha chế sau đó vo thành từng viên bằng quả trứng gà đem phơi hoặc sấy khô. Toa thuốc này chỉ truyền cho con trai. Nước dùng để chưng cất rượu là nước giếng.
Nấu rượu là phần việc của người phụ nữ. Lành nghề, họ nếm rượu rất chính xác. Nhìn chai rượu họ biết ngon hay dở. Bác gái bảo tôi rượu ngon rót ra ly bao giờ cũng thấy sủi tăm từ dưới lên. Rượu “dở” thì sủi tăm bên thành ly lợn cợn.
Phụ nữ trước khi sinh nở ba tháng, lấy bột nghệ, mật ong và lòng đỏ trứng gà ngâm rượu. Ăn cơm uống một ly “hạt mít”. Da dẻ sẽ trắng hồng như “trứng gà bóc”.
Giờ nhớ lại tôi nghĩ mình thật may mắn. Có người bám víu vào rượu trong ký ức của mình. Một thuở đã xơ xác im lìm trong hũ rượu. Mới ra trường, chập chững vào đời đều cần một môi trường sống, làm việc tốt. Để rèn giũa và tự hoàn thiện mình. Tôi đã gặp lòng tốt ở khắp nơi. Hiện diện trong những con người mộc mạc, dung dị nhất.
Giờ chuyện cái ly cũ hay là sự kết nối tình cờ giữa tôi và làng quê đã xa có lẽ cũng thường tình. Từ ấy nhận ra rằng thế giới của mình thật rộng. Bởi không dễ ai có thể đi đến nơi mình muốn.
Vũ Hào
Gửi bình luận