Trưng bày nhiều bảo vật quốc gia tại An Giang
Trên 500 di vật, hình ảnh và các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, tiêu biểu của ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo, trong đó có 6 bảo vật quốc gia sẽ được giới thiệu tại Bảo tàng An Giang trong dịp trưng bày “Hội ngộ Di sản Văn hóa ba miền”. Đây là một trong những hoạt động nhằm chào mừng 74 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2019), kỷ niệm 95 năm ngày phát hiện và nghiên cứu di tích Văn hóa Đông Sơn, 110 năm phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh và 75 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Óc Eo – Ba Thê.
Phù điêu hình hoa sen, mảnh ngói trưng bày tại Nhà trưng bày di tích văn hóa Óc Eo (minh họa)
Mỗi tư liệu, hiện vật mang đến những thông điệp của từng thời đại, thể hiện không chỉ bằng sự phát triển mà còn có cả trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, điêu luyện đặc trưng về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ trên lãnh thổ Việt Nam có niên đại từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên.
Trong đó những di vật của văn hóa Đông Sơn được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… đa dạng, độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Tiêu biểu là bộ sưu tập hiện vật đồng thau gồm các nhóm: công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức nghệ thuật và đồ minh khí…phản ánh sự phát triển rực rỡ, tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo của văn hóa Đông Sơn.
Cùng với không gian văn hóa Sa Huỳnh rộng lớn, những hình ảnh, tư liệu về kỹ thuật trình độ cao của kỹ thuật chế tạo đồ sắt, nghề se sợi, dệt vải, chế tạo đồ gốm, và đồ trang sức bằng thủy tinh, đá mã não… sẽ được giới thiệu tại trưng bày.
Đặc biệt là không gian giới thiệu văn hóa Óc Eo với những di tích được khai quật thuộc loại hình kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú, thu được hàng vạn hiện vật bằng các chất liệu như: vàng, bạc, đồng, chì, thiết, thủy tinh, đá, gỗ, gốm…là sản phẩm của các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố văn hóa Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa…Đây là một khối lượng tư liệu lịch sử quý, cho thấy một thời đại phát triển ở trình độ cao về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam bộ.
Chương trình trưng bày “Hội ngộ Di sản Văn hóa ba miền” được Bảo tàng An Giang phối hợp Bảo tàng các tỉnh Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang cùng nhiều nhà sưu tập khảo cổ thực hiện. Lễ khai mạc được tổ chức vào sáng ngày 22/11 và trưng bày phục vụ tham quan tại Bảo tàng An Giang trong suốt 3 tháng.
Thảo Minh (Tổng hợp)
Gửi bình luận