Triển vọng chính sách khí hậu và các cơ chế thị trường mới
Tại hội thảo, đại diện của VNEEC nhận xét, biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của nó đã trở nên rõ ràng. Cộng đồng quốc tế đang đứng trước thách thức tìm ra cơ chế thị trường mới cho Nghị định thư Kyoto sau năm 2012 để đạt mục tiêu giảm và kiểm soát phát thải khí nhà kính với chi phí hiệu quả.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Khắc Hiếu, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khí hậu năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002. Để đạt được mục tiêu của Công ước khí hậu trong việc “Ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”, Nghị định thư Kyoto đã đưa ra 3 cơ chế: cùng thực hiện, buôn bán quyền phát thải và phát triển sạch (CDM). Trong đó, cơ chế phát triển sạch đặc biệt được chú trọng tại Việt Nam.
Tại hội thảo, đa số các chuyên gia cho rằng, đối với điều kiện của Việt Nam, để thúc đẩy các ý tưởng xây dựng cơ chế thị trường mới phù hợp với yêu cầu, Việt Nam cần phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động BĐKH và giảm nhẹ phát thải nhà kính cũng như bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm phát triển mục tiêu bền vững. Đồng thời, tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia.
Gửi bình luận