Tranh Kim Hoàng một thời, nay xa vắng
Khi xưa phải “xí chỗ” ở chợ để bán tranh
Nghề tranh Kim Hoàng một thời vang bóng, khi tranh Kim Hoàng là món quà xuân cho mỗi gia đình người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Chẳng ai còn nhớ thời gian xuất hiện tranh Kim Hoàng ở cái làng ven đô này, mà chỉ biết rằng: khi xưa một người họ Nguyễn Sĩ người Thanh Hóa theo mẹ ra Thăng Long và đến lập nghiệp ở làng Kim Hoàng. Người ấy đã sáng tạo ra dòng tranh độc đáo lấy tên làng. Tranh Kim Hoàng phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Tranh dân gian Kim Hoàng có sức sống tươi mát của xóm làng đồng quê với tình cảm chân thực gần gũi người nông dân. Người thưởng thức tranh trong vùng lân cận của làng Kim Hoàng đều yêu thích cách thể hiện hồn nhiên, chất phác, phóng khoáng của nghệ nhân tạo hình tranh.
Ngày xưa, để có được bức tranh nền đỏ rực rỡ, tươi tắn, người làm tranh Kim Hoàng thường dùng những bản khắc bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo và kỹ thuật in ngửa ván tài tình. Chỉ có những nghệ nhân mới biết bí quyết pha màu. Tranh Kim Hoàng dùng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên. Màu trắng tạo từ thạch cao ngâm vào nước cho mềm, đánh cho nhuyễn. Phấn, chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm. Màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro, rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành…Để cho bền màu, người Kim Hoàng còn ninh cả da trâu bò trộn thêm vào để màu được dính, bền hơn.
Giấy in không dùng giấy điệp như tranh Đông Hồ, cũng không dùng giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều.
Khác với Đông Hồ, Hàng Trống, tranh Kim Hoàng không chỉ thực hiện in nét bằng ván, mà còn tô màu, chấm phá màu sắc cho nổi bật, tạo ra những mảng khối màu sắc phong phú, phóng khoáng thể hiện sự mong ước của người dân về một cuộc sống tươi vui, no đủ.
Để mỗi tranh có một diện mạo riêng, việc in tranh Kim Hoàng đòi hỏi sự chính xác với kỹ thuật cao của những người lâu năm trong nghề. Ngay ở công đoạn tô màu cũng hết sức tinh tế, phải tô bằng tay và dùng bút mềm quệt phấn nước để tạo sự chuyển sắc đậm nhạt, gợi sự uyển chuyển. Hay như mực in trên giấy hồng điều phải mài hết sức công phu. Màu đen trên tranh đỏ Kim Hoàng không xốp, không đen láy như màu đen của than rơm, than lá tre, mà dịu dàng lẫn vào màu giấy hồng điều, giấy vàng của nền tranh, đủ độ ổn định hình, dành cái chói lọi cho các sắc màu khác.
Đặc biệt, tranh Kim Hoàng, mỗi bức khắc một bài thơ bình về bức tranh đó. Những câu thơ chữ Hán đầy triết lý về cuộc sống con người ẩn dụ qua cảnh quan, con vật được viết trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình ảnh đã tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Thơ làm ý nghĩa của hình ảnh thêm sâu sắc và hình ảnh lại minh họa cho thơ. Đây là điều riêng biệt tranh Kim Hoàng so với các dòng tranh khác. Tranh Kim Hoàng thường thể hiện ba vị thần: Ông Công (tức Thổ Công), Ông Táo (tức Táo Quân) và Ông Sư (tức Tiên sư)… được các gia đình nông dân, thợ thủ công tôn kính, nhớ ơn. Ngoài ra còn có các đề tài về lễ hội, trò chơi dân gian, các con vật màu sắc vui nhộn.
Từ rằm tháng 11 âm lịch, ruộng nương đã xong, Phường bắt đầu làm tranh. Những người làm tranh Kim Hoàng tổ chức thành Phường tranh, có Trưởng phường. Đầu tiên phải cúng Tổ nghề. Trưởng phường là người khắc ván in, rồi giao cho các gia đình in. Dân làng tất bật làm tranh. Người chuẩn bị giấy, kẻ chuẩn bị màu. Không khí vui nhộn lan tỏa khắp nơi.
Sau một tháng làm tranh, đến ngày rằm tháng Chạp, Phường làm lễ Ơn Tổ, sau đó mới mang tranh đi bán. Bán tranh rộ là từ ngày Tết ông Táo (23 tháng Chạp). Sáng sớm, các gia đình mang tranh tỏa đi khắp nơi “xí chỗ” treo tranh ngồi bán lấy tiền sắm Tết. Những bức tranh Kim Hoàng tỏa đi khắp nơi: Nhổn, Diễn, Phùng thậm chí bán sang các tỉnh khác. Tranh Kim Hoàng là món ăn tinh thần một thời của người xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người dân thường mua tranh về bày trí trong nhà. Thời xa xưa, nhà nào treo tranh Kim Hoàng đều lấy làm hãnh diện. Họ thưởng xuân bằng tranh.
Nay, có “trả lương cao” cũng chả ai buồn làm tranh
Cụ Thịnh mặt buồn so ngậm ngùi, năm 1915, nạn lụt lớn, đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi nhiều ván in. Sau đó mất mùa, đói kém lại chiến tranh, dòng tranh Kim Hoàng suy thoái. Chỉ một số ít gia đình giữ lại được ván in. Trong suốt thế kỷ 20, tranh Kim Hoàng sống trong tình trạng “hấp hối”. Sang những năm đầu thế kỷ 21, cả làng chẳng có lấy một người biết làm tranh. Tranh Kim Hoàng lụi tàn. Tại nhà truyền thống làng chỉ còn sót lại 2 bức tranh vẽ chú gà, chú lợn nằm chơ vơ trên tường. Cao niên làng tiếc nuối: “Bây giờ những bức tranh quý và ý nghĩa như thế không còn làm được nữa…”.
Làm sống lại nghề từng rạng danh cho một làng quê là điều mong mỏi của không ít người, đã có nhiều cuộc họp được tổ chức bàn bạc và tiên phong là các cụ trong làng, nhưng xem ra lớp trẻ không mấy mặn mà. Các cụ cao niên trong làng chia sẻ: “Làm sống lại làng nghề là một điều quá khó đối với chúng tôi. Bọn trẻ không chịu học làm tranh mà còn nói: các cụ thích, chúng con lên mạng in cho các cụ đống tranh, treo tràn bảy gian nhà, ba gian bếp. Tự dưng còng lưng vẽ tranh dân gian, rồi tìm mỏi mắt chẳng ai mua, có bán được cũng rẻ mạt lắm, chúng con chịu thôi”… Nghe vậy, các cụ buồn lắm nhưng biết làm sao bây giờ..?
Lại một mùa xuân nữa đang về, cao niên làng Kim Hoàng đôi mắt xa xăm buồn bã ngó tranh Đông Hồ vẫn “sáng bừng trên giấy điệp”, tranh Hàng Trống còn “lay động giấy dó bồi”, còn tranh Kim Hoàng lại “ủ rũ giấy hồng điều” mà đau thắt trong lòng.
Thùy Dương
Gửi bình luận