Tôn vinh âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên
Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Trong hai ngày 23, 24/ 11/2019 tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình Âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên với sự góp mặt của 19 nghệ nhân đến từ hai tỉnh Nghệ An và Điện Biên.
Chế tác nhạc cụ đàn môi của người Khơ mú ở Nghệ An
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS. TS. Bùi Nhật Quang - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, Chương trình Âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên nhằm giới thiệu đến công chúng một loại hình văn hóa dân gian độc đáo. Thông qua đó, góp phần giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian của người Khơmú nói riêng.
Múa sạp của người Khơmú ở Điện Biên
Chương trình Âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên giới thiệu đến công chúng cách chế tác nhạc cụ truyền thống (các loại sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ...); cách thực hành trình diễn với làn điệu hát tơm của nhóm Khơmú đến từ tỉnh Nghệ An; thưởng thức các điệu múa dân gian như: thằm đao đao, múa sạp, múa boòng bụ (dỗ ống), múa lắc eo tự biên của nhóm Khơmú đến từ tỉnh Điện Biên. Đây cũng là dịp du khách được giao lưu, hòa mình vào các điệu múa trống chiêng, múa sạp với sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Múa tra hạt của người Khơmú ở Điện Biên
Bên cạnh hoạt động trình diễn văn nghệ dân gian và chế tác nhạc cụ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức tọa đàm về Âm nhạc của người Khơmú trên thế giới do TS. Frank Porschan thuyết trình. Buổi toạ đàm có sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu âm nhạc, giảng viên thuộc các Viện, Học viện Âm nhạc, các Trường Đại học tại Hà Nội.
Tuấn Hải
Gửi bình luận