Tìm hướng đi bứt phá cho du lịch Hải Dương
Chiều 4/10, tại Chí Linh, Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương phối hợp với TCDL (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo: Giải pháp phát triển du lịch Hải Dương và hợp tác phát triển du lịch giữa Hải Dương với TP. HCM và 6 tỉnh phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Lương Văn Cầu nhấn mạnh: Hải Dương là nơi lưu giữ khối lượng lớn văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo với 2.207 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng. Tuy nhiên, du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh đó. Chất lượng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch chưa có sự khác biệt, thiếu hấp dẫn. Cơ sở hạ tầng, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vẫn còn nhiều hạn chế... Vì thế, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch Hải Dương và các tỉnh phát triển hơn nữa. Đây là một giải pháp tiết kiệm, hiệu quả bởi mỗi vùng có một thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển và tiềm năng du lịch; cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm, loại hình để cung cấp cho du khách; trong đó, sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Hải Dương với TP.HCM và 6 tỉnh phía Bắc đã, đang được hình thành, từng bước kết nối các sản phẩm tour, tuyến du lịch.
Để tìm ra các giải pháp phát triển du lịch Hải Dương, hội thảo đã tập trung vào 4 nội dung chính: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý phát triển du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tại đây, các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các giá trị, tiềm năng lợi thế của du lịch mỗi địa phương; đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, an ninh, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực; trao đổi kinh nghiệm quảng bá xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch cụ thể tại các khu vực tiềm năng; đề xuất xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch liên vùng, loại hình du lịch phù hợp... Các đại biểu cũng đã thống nhất đề ra phương hướng hợp tác, giải pháp phù hợp nhằm tăng cường hoạt động du lịch giữa Hải Dương với TP. HCM và 6 tỉnh phía Bắc. Qua 10 lượt ý kiến tham luận, sự chia sẻ giải pháp phát triển du lịch của từng địa phương. Sở VHTTDL Hải Dương đã đề xuất liên kết phát triển 5 tuyến du lịch giữa Hải Dương với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực, gồm: tuyến du lịch tâm linh theo dòng thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử (chùa Côn Sơn - chùa Thanh Mai - chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Yên Tử (Quảng Ninh) - chùa Vĩnh Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh); tuyến du lịch gắn với danh nhân Trần Hưng Đạo (đền Kiếp Bạc - đền Cao An Phụ - khu di tích nhà Trần (Quảng Ninh) - khu di tích Bạch Đằng Giang và một số di tích ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) - đền Trần ở Hưng Yên); tuyến du lịch đường sông (Quảng Ninh - Hải Dương - Hà Nội - Bắc Ninh); tuyến du lịch làng nghề thủ công truyền thống vùng miền (gốm Chu Đậu - gốm Bát Tràng, Hà Nội - gốm Phù Lãng, Bắc Ninh - gốm Đông Triều, Quảng Ninh); Lễ hội vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang - nhãn lồng, Hưng Yên.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương thì: Hải Dương cần tập trung vào xây dựng sản phẩm du lịch hướng tới chiều sâu, đánh giá từng phân khúc thị trường để xây dựng ra các sản phẩm đặc thù, tránh trùng lặp với các địa phương trong vùng liên kết, cần chú trọng công tác truyền thông quảng bá sao cho hiệu quả và có sức lan tỏa rộng khắp; chú trọng công tác liên kết phát triển; nâng cao trình độ đội ngũ, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư quyết liệt hơn nữa để du lịch Hải Dương phát triển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của mình.
Toàn cảnh hội thảo
Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Hải Dương với TP.HCM và Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đã được lãnh đạo các tỉnh ký kết năm 2015 nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của mỗi địa phương trong thời gian qua và thời gian tiếp theo. Trước đó, từ ngày 3 và sáng 4/10 đoàn khảo sát gồm các đại biểu đại diện cho 6 tỉnh phía Bắc và TP.HCM đã tiến hành khảo sát một số điểm du lịch, dịch vụ ở thị xã Chí Linh như: Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, gốm Chu Đậu, chùa Thanh Mai, các điểm dừng chân ABC và Việt Tiên Sơn...
GS.TS Bùi Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Bản chất của du lịch là ngành liên vùng mang tính xã hội cao và vượt khỏi phạm vi địa phương. Để liên kết và tạo ra “cú hích” trong phát triển du lịch, làm sao tăng được các dòng khách khi đến với các địa phương, chúng ta phải xác định rõ không tạo ra những sản phẩm chồng lấn nhau để ra tăng sức hút các dòng khách đến với mỗi địa phương trong vùng liên kết. Đòi hỏi mỗi địa phương phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm không có sự trùng lặp giữa các địa phương nhất là các địa phương gần kề nhau. Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt đặc biệt nhất là mảnh đất Chí Linh, vùng đất đặc biệt ở nhiều phương diện, có nhiều danh nhân văn hóa, vùng đất này không chỉ sơn thủy hữu tình mà còn là nơi giúp các nhà nho học lỗi lạc hun đúc chí khí tạo ra một hệ tư tưởng, dù ở ẩn nhưng vẫn có sách lược giúp dân giúp nước. Có thể nói Chí Linh là vùng đất quý có thể phát triển du lịch tri thức hay du lịch thông minh. Chí Linh có thể phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm. Côn Sơn phải trở thành thư viện về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, để du khách muốn tìm hiểu về Nguyễn Trãi thì phải về Côn Sơn. Điểm cộng nữa là xét về tài nguyên Chí Linh có thừa: Mật độ di tích dày đặc, giá trị di tích thông qua xếp hạng và công nhận danh hiệu di tích có đầy đủ các giá trị lịch sử và nhân văn. Hải Dương cần bám vào những gíá trị đặc trưng riêng của mình để xây dựng sản phẩm theo hướng đặc trưng riêng có của một mảnh đất giàu giá trị như vậy, tạo đà phát triển bền vững cho du lịch Chí Linh... |
Hồng Lụa
Gửi bình luận