Tìm giải pháp ứng dụng thành tựu công nghệ vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật
Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo khoa học tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của nước ta với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại đã góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”.
Trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, biểu diễn nghệ thuật là một trong những ngành kinh tế dịch vụ tinh thần quan trọng cần được phát triển cả về chất và lượng. Đây là ngành có thể đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Với xu thế phát triển không ngừng của công nghệ, hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn đang đứng trước nhiều thuận lợi và cũng gặp không ít thách thức. Ngành Văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng cần thích ứng nhanh chóng, khai thác tối đa lợi thế từ cách mạng khoa học công nghệ để phát triển…
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ những vấn đề như: Tác động, thuận lợi, thách thức khi ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của CMCN lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; Ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sáng tạo, phổ biến, lưu trữ phù hợp với xu hướng thay đổi phương thức hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật của nhân dân và vấn đề thương mại điện tử, quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trong xu phướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được thảo luận trong chương trình.
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ là phương tiện, công cụ cần thiết để nâng hình thức sân khấu lên tầm hiện đại, còn là những sáng tạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Nhưng mỗi người làm nghệ thuật cần phải hiểu rằng, cách mạng công nghiệp phải trở thành nội dung của tác phẩm và là cảm hứng sáng tác của mỗi người nghệ sỹ. Không có nội dung và cảm hứng thì sân khấu dù có tràn đầy hình thức từ cách mạng 4.0 cũng trở nên vô nghĩa.
Còn Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật là việc làm tất yếu để hấp dẫn và thu hút công chúng. Đây cũng là xu hướng chung và cần nhanh chóng có hành động để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật ngày càng phát triển của công chúng. Tuy nhiên, với các loại hình nghệ thuật truyền thống thì việc ứng dụng này có khó khăn hơn và cần có lựa chọn cho phù hợp…
Trước đó, ngày 10/9, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo khoa học tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn điện ảnh.
Nguyễn Hương
Gửi bình luận