Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Vừa qua, tại TP.HCM, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến nhấn mạnh, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực cung ứng ra thị trường đang trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, chưa đạt yêu cầu để doanh nghiệp tiếp nhận… Do đó, đòi hỏi cần có sự đột phá trong chính sách và giải pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch nước nhà.
“Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đó là đội ngũ những người lao động có trí tuệ cao, có trình độ tay nghề giỏi, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng hiện đại, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu mới của ngành Du lịch để hội nhập thành công với ngành du lịch của các nước trên thế giới”, PGS.TS Trần Văn Thiện khẳng định.
Theo TCDL, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp Du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng và 71 trường trung cấp.
Đáng nói hơn, dù được đào tạo chính quy tại các trường đại học và cao đẳng, nhưng khi được tuyển dụng làm việc, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện vẫn thiếu cơ chế huy động doanh nghiệp tham gia, liên kết nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch. Trong khi đó, dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, đó là chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, nổi bật trong đó là vấn đề về “Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Ngành Du lịch đã có những cố gắng huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung ngành du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới của nền kinh tế đất nước và hội nhập toàn cầu.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những điểm yếu đầu ra nhân lực du lịch, PGS.TS Phạm Xuân Hậu, Trường Đại học Văn Hiến nhìn nhận, thực tế có nhiều cơ sở đào tạo còn coi trọng lợi ích kinh tế, điển hình là các trường ngoài công lập hàng năm tuyển số lượng sinh viên rất nhiều, nhưng chuẩn đầu vào thấp… Quá trình đào tạo ít chú trọng đầu tư vào cải tiến chương trình, đánh giá chất lượng, thậm chí cơ sở đào tạo chưa gắn kết với doanh nghiệp… nên sản phẩm đào tạo ra chưa được doanh nghiệp “hứng thú” sử dụng.
Không những doanh nghiệp “khát” nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm việc trực tiếp, ngay cả cơ sở đào tạo cũng “đỏ mắt” tìm kiếm đội ngũ giảng dạy. Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM) chia sẻ, trong quá trình mở ngành đào tạo về du lịch, nhà trường không tìm được tiến sĩ về du lịch hoặc nhóm ngành gần với du lịch, tìm trong nước không có, nên nhà trường phải tuyển dụng tiến sĩ từ nước ngoài, nhưng cũng không dễ gì tuyển được.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết thêm, chủ trương và chính sách về phát triển du lịch nói chung và nhân lực du lịch nói riêng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản các cấp. Tuy nhiên, việc triển khai còn thiếu các cơ chế cụ thể để đưa chủ trương, chính sách đi cuộc sống. Do đó, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển du lịch. Để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, Bộ VHTTDL cũng đặc biệt quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống mã ngành đào tạo du lịch, hệ thống chuẩn đầu ra, kỹ năng nghề quốc gia cũng đang được xây dựng hoàn thiện để áp dụng cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Để có những đột phá về chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh thắt chặt tính liên kết giữa cơ sở đào tạo, người học và doanh nghiệp… Cần thiết kế chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng liên quan cho người học. Đồng thời, ban hành quy định về chất lượng giảng viên trực tiếp đào tạo nhân lực du lịch phù hợp với khu vực và thế giới. Ngoài ra, các diễn giả quốc tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong đào tạo, phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.
Nguyễn Nam
Gửi bình luận