Thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn
Sáng 20/11 tại Hòa Bình, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo Thực trạng và Tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ VHTTDL, TCDL, UBND tỉnh Hòa Bình. Hội thảo nhằm xác định thực trạng, tiềm năng, đồng thời đề xuất định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ký kết chương trình phối hợp phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025
Thực trạng, tiềm năng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nước ta hiện chỉ có từ 3%-5% trang trại nông nghiệp ở một số địa phương kết hợp hoạt động du lịch và không có hoạt động lưu trú qua đêm. Các mô hình HTX chủ yếu hoạt động theo hình thức sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng. Việc phát triển du lịch trong các trang trại, HTX tạo nên sự đa dạng sinh kế, đem lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, chuyển dịch cơ cấu linh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên đây chỉ là hoạt động tự phát, chưa có sự đầu tư, quy hoạch, chưa thu hút du khách; lao động chưa được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng về du lịch nông nghiệp; công tác quản lý nhà nước về loại hình du lịch này chưa được hoàn thiện, thiếu sự liên kết, thống nhất trong quản lý giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX, trang trại phát triển dịch vụ du lịch…
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến tháng 10/2020, cả nước đã có 5.403 xã (60,8%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 109/125 xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM; có 143 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 21 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm phong phú, đặc thù, độc đáo; sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn. Sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong hoạt động du lịch đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng, du lịch đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…, góp phần giảm áp lực quá tải tại những trung tâm du lịch lớn.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tham luận tại Hội thảo
Ở một góc nhìn khác, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho rằng, khu vực nông thôn và giá trị nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý giá, đóng vai trò là điểm đến, cung cấp không gian và các dịch vụ giúp ngành Du lịch hình thành hệ thống sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn; mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm những giá trị khác biệt của khu vực nông thôn so với các khu vực đô thị. Ở nước ta, ngành Du lịch đã khai thác các sản phẩm dựa trên giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn, mô hình trang trại nghỉ dưỡng và nhiều hình thức khai thác khác. Tuy nhiện việc khai thác vẫn còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tương xứng với thế mạnh; sản phẩm còn đơn điệu, chưa được đầu tư theo chiều sâu nên khó trở thành sản phẩm chủ đạo; hệ thống hạ tầng phục vụ thiếu đồng bộ, dịch vụ đơn giản… Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Lưu Đức Kế cho rằng ngành Du lịch sử dụng đến 90% tài nguyên nông thôn để khai thác phục vụ du khách. Ngày nay nông thôn có các sản phẩm công nghệ cao giúp sản phẩm du lịch nông thôn càng phong phú; việc sử dụng các sản phẩm OCOP càng đẩy mạnh việc xuất khẩu tại chỗ… Tuy nhiên trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19 hiện nay, cần cân nhắc yếu tố y tế hàng đầu.
Định hướng, giải pháp
Nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; thống nhất cơ quan quản lý; tăng cường liên kết giữa ngành Nông nghiệp với VHTTDL; xây dựng các văn bản quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cho trang trại, HTX nông nghiệp phát triển du lịch; tăng cường đào tạo kỹ năng… Đặc biệt, các địa phương phải quy hoạch, hỗ trợ các trang trại, HTX, xác định sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, mang tính đặc thù tạo điểm nhấn; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch và nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường quảng bá, xây dựng khu trưng bày các sản phẩm được sản xuất tại các trang trại, HTX nông nghiệp. Các địa phương cần quy hoạch, kết nối các trang trại, HTX có hoạt động du lịch gắn với các tour, tuyến của doanh nghiệp; đào tạo, tập huấn kiến thức cho nhân lực làm du lịch nông nghiệp tại các trang trại, HTX; hỗ trợ đầu tư hạ tầng lưu trú, bổ sung quy hoạch hạ tầng địa phương đối với các trang trại, HTX nông nghiệp có hoạt động du lịch…
Toàn cảnh Hội thảo
Trên thực thế, nhiều địa phương đã phát triển mô hình du lịch nông thôn có hiệu quả như Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang… Hòa Bình đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút đầu tư được 290 cơ sở homestay, trong đó có 20 cơ sở homestay có sản phẩm OCOP từ 2-3 sao. Để làm được điều đó, đại diện Sở VHTTDL Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm địa phương và đề xuất xây dựng mô hình quản lý phủ hợp; giữ gìn, phát huy bàn sắc văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích đầu tư vào du lịch nông nghiệp, chú trọng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho rằng việc định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng, các trang trại nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao… sẽ đem lại lợi ích đồng thời cho cả Du lịch và Nông nghiệp, góp phần phát triển nông thôn mới bền vững trong. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung dẫn chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn” cho ngày Du lịch thế giới 27/9/2020 của Tổ chức Du lịch thế nhằm khẳng định vị thế và mối quan hệ giữa Du lịch và Nông nghiệp, nông thôn. Phó Tổng cục trưởng đồng thời đề xuất các địa phương phải quy hoạch khu vực nông thôn đủ điều kiện phát triển du lịch; nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn chân lực và đẩy mạnh truyền thông quảng bá…
Trên góc độ Bộ quản lý chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đề xuất ưu tiên đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc định hướng cùng tăng cường sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT để đạt kết quả tốt hơn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phước Hà
Gửi bình luận