Thu du lịch 5 tháng ước đạt 161.701 tỷ đồng
5 tháng đầu năm 2015, có 07 thị trường khách tăng, trong đó: Hàn Quốc tăng 35,3%; Phần Lan tăng 26,5%; tiếp đến là Tây Ban Nha tăng 8,4%; Singapore tăng 6,2%; Italy tăng 4,5%; Mỹ tăng 4%; và Đức tăng 0,6%. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3.275.191 lượt người, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 33,5 triệu lượt người (khách lưu trú đạt 15,1 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 161.701 tỷ đồng (theo mức chi tiêu mới dựa vào kết quả điều tra khách du lịch năm 2013), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển- ảnh tư liệu
Trong tháng 5 năm 2015, Tổng cục Du lịch đã cố gắng nỗ lực và tập trung, chủ động triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức đoàn công tác để nắm tình hình triển khai Nghị quyết số 92, Chỉ thị 18 và tham gia giải thưởng du lịch Việt Nam tại các tỉnh thành. Đẩy mạnh việc hoàn thiện đề án, đề xuất miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm và cấp thị thực, thu phí thị thực tại cửa khẩu; xây dựng đề án Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch, đề án hành động chung tay cải thiện môi trường du lịch Việt Nam và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về cải thiện môi trường du lịch…
Về Quản lý Lữ hành, TCDL đã thẩm định 55 hồ sơ xin cấp, đổi và rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành trong đó cấp mới 30 giấy phép, đổi 20 giấy phép, thu hồi 05 giấy phép. Kiểm tra chấn chỉnh tình hình kinh doanh du lịch tại Khánh Hòa; kiểm tra công tác đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và tổ chức đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Về Quản lý Khách sạn, TCDL đã tổ chức họp ban kỹ thuật tiêu chuẩn khách sạn Việt Nam và tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về tiêu chuẩn tại Hà Nội và Nha Trang; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tập huấn về phòng chống tác hại của thuốc lá và môi trường không khói thuốc lá trong ngành Du lịch. TCDL cũng đã làm việc với đối tác, dự án EU về làm phim quảng bá du lịch Việt Nam, về phối hợp đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam trên smartphone; chú trọng họp tác quốc tế trong phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng đề án “Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch”…
Các địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động, chú trọng đưa thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ du khách. Nghệ An tổ chức thí điểm mô hình Câu lạc bộ trình diễn Dân ca Ví Giặm tại Khu di tích Kim Liên; Quảng Bình đưa dịch vụ “tắm bùn hang động” tại khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng; Đồng Tháp triển khai thí điểm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm; Phú Yên khai trương dịch vụ ca nô du lịch - bè nổi vịnh Vũng Rô… Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tại một số địa phương còn những tồn tại: Thiếu minh bạch trong môi trường kinh doanh du lịch tại Nha Trang, còn tồn tại người nước ngoài kinh doanh tour du lịch trái phép, sử dụng lao động là người nước ngoài làm hướng dẫn viên nhưng không có giấy phép. Một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được cấp giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức bán tour quốc tế cho các đối tác hoạt động cùng lĩnh vực. Việc tổ chức cho khách Trung Quốc du lịch đường bộ tại Quảng Ninh chất lượng dịch vụ kém, tình trạng tranh giành khách, ép tour diễn ra phức tạp…
Bá Phúc
Gửi bình luận