Thổ cẩm – “đặc sản” của người dân tộc Chăm
Hướng tới Ngày Hội văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V- Phú Yên năm 2019
Nói đến thổ cẩm, người ta nghĩ đến đặc sản của dân tộc Chăm. Họ là cư dân của vương quốc Champa cổ, có nền văn minh phát triển khá cao nên dân tộc Chăm ngày nay còn bảo lưu nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống. Song, giờ đây các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác dệt thổ cẩm Chăm hình thành và phát triển như thế nào trong tiến trình lịch sử. Chỉ biết rằng cho đến giờ dân tộc Chăm có khoảng hơn 100.000 người, sống tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh… Nhiều truyền thuyết kể rằng vị vương Po – Inư – Nưgar, sau khi đi xứ Trung Hoa trở về, đặt kinh đô Chăm ở Nha Trang và dạy cho cư dân của họ – lúc đó còn trong thời kỳ mông muội, cày cấy, dệt vải và xây tháp…
Sản phẩm chính gốc Chăm ở Ninh Thuận
Theo các nhà sử học, dưới thời các vương triều Champa, người Chăm đã biết trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XVIII, người ta tìm thấy các nét hoa văn được chạm trổ thật tinh tế trên các tượng đá thần Shiva, Apsara và trên trang phục của tượng thần Po Rome từ giữa thế kỷ XVII, hiện còn lưu dấu vết ở Ninh Thuận. Từ những cứ liệu trên các nhà nghiên cứu khẳng định nghề dệt thổ cẩm Chăm hình thành từ rất sớm và phát triển đến mức độ tinh xảo.
Ngày nay các nguyên liệu dệt từ tơ sợi cho đến phẩm nhuộm đều được mua trên thị trường. Nhưng trước kia người Chăm biết tự trồng bông lấy sợi và mắc thành cuộn là cả một qui trình đầy phức tạp. Đầu tiên người thợ đưa hạt bông lên giá, tách hạt. Kế tiếp, dùng dây cung bắn cho các thớ bông bung ra, trải bông thành từng lớp mỏng, dùng thanh tre cuộn chúng lại và móc vào sa quay để rút sợi. Sau đó các cuộn sợi được mắc vào giá mắc sợi và bắt go để lên hoa văn đưa vào khung dệt. Khung dệt có hai loại: loại dệt vải dạng tấm, dệt các sản phẩm như khăn bàn, xà rông, mền…; loại khung dệt vải dạng dây, dệt các sản phẩm dây thắt lưng, dệt túi xách…
Về nguyên liệu và kỹ thuật nhuộm xưa kia, giờ đây hầu như đã thất truyền nên rất ít khi được họ sử dụng nữa. Nhiều người Chăm hiện thời chỉ còn nhớ mang máng qua truyền khẩu: màu đen được nhuộm bằng lá chùm bầu, màu xanh và đỏ sậm lấy từ vỏ nhiều loại cây, màu tím được lấy từ trái thanh long… Nói chung, màu sắc dùng làm phẩm nhuộm được lấy từ cây cỏ trong thiên nhiên. Nhưng gần đây do thị trường mang tính thương mại hoá cao nên họ đã bắt đầu giảm dần việc sử dụng chất liệu từ thiên nhiên. Tuy giá thành sản phẩm có giảm, song màu sắc lại không bền, chỉ giặt một vài lần vải đã phai màu và xuống mã.
Ngày nay với mức thu nhập cỡ trung lưu mua vải thổ cẩm hay đồ dùng thổ cẩm về trang trí nhà cửa thì không hề đắt. Tại các cửa hàng vải thổ cẩm của dân tộc Thái, Tày hay Nùng bán ở TP.HCM, vải có khổ 80 cm thường có giá 100.000 – 120.000 đồng/mét, một tấm chăn giá khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên đồ thổ cẩm của người Tà Oi thì đắt hơn nhiều vì họ dệt rất công phu và hầu hết là dùng các chất liệu từ thiên nhiên, nên một tấm chăn phải trên một triệu đồng. Ở Tp.HCM khoảng độ 5 năm trở lại đây, vải thổ cẩm đang trở thành mốt và việc thương mại hoá đã làm cho những tấm vải dân tộc này đôi khi trở nên quá thị thành, mất đi cái hồn mộc mạc của chất dân tộc vốn có.
Thành viên của tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đang dệt những tấm vải dân tộc để giữ gìn bản sắc văn hoá của mình
Trong khi người Việt (Kinh) thích sử dụng màu đen và trắng, người Chăm lại thích sử dụng màu chàm và đỏ. Màu sắc, hoa văn họ sử dụng đều thể hiện tín ngưỡng và ước muốn hài hoà với thiên nhiên. Người Dao thường dệt lên vải các biểu tượng như mặt trời, sao, chữ thập, đồng tiền. Người Thái thích hình sọc, sóng và hình zích zắc. Người Tà Oi thường dùng nhiều hạt cườm trắng đính lên nền vải nhuộm đen một cách rất công phu. Còn người Chăm ở vùng Phan Rang, Tháp Chàm, có lẽ do sống gần biển nên họ thường dệt các hoa văn đối xứng chạy dọc theo tấm vải với biểu tượng hình sóng. Một điểm độc đáo của vải Chăm là trước khi nhuộm chàm họ bôi sáp ong lên vải theo những hình thù mà họ thích. Sau đó gỡ phần sáp ra, thế là được một tấm vải với những họa tiết trắng trông vừa lạ vừa bắt mắt.
Các hoa văn thổ cẩm phần lớn bố trí theo kiểu hoa văn hình học. Có loại hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như bông mặt võng. Cũng có loại hoa văn được bố trí song song và khoảng cách bởi những đường bánh xe như thằn lằn, neo, dây máu… ngoài ra còn có một số loại hoa văn động vật được cách điệu rất linh hoạt như rồng, chim trảo, công… Đặc biệt trong sinh hoạt xã hội Chăm, người ta có thể phân biệt giai cấp của nhau qua hoa văn trên y phục của họ. Chẳng hạn, người đàn bà Chăm thuộc tầng lớp trên thường mặc chăn có hoa văn chim trảo, rồng. Còn phụ nữ tầng lớp dưới cũng mặc chăn nhưng không có hoa văn trên. Hay như các vị thầy cả luôn mặc váy viền tua, còn các vị dưới thầy cả thì mặc váy có viền nhưng không tua…
Theo dòng thời gian nhiều hoa văn ngày nay đã thất truyền, chỉ còn biết qua hình ảnh chụp lại từ đầu thế kỷ XX tại Viện bảo tàng ở Pháp với cả thảy khoảng 20 hoa văn. Sau đó Nghệ nhân Thuận Thị Trụ (danh hiệu bàn tay vàng 1996), đã sưu tầm hơn 30 hoa văn khác, từ đó cách điệu chế tác ra khoảng 60 mẫu hoa văn các loại thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngày nay vải thổ cẩm được lưu truyền rộng khắp ở các Plây Chăm (làng), nhưng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) vẫn là trung tâm dệt thổ cẩm được biết đến nhiều hơn cả nhất là từ khi cơ sở INRAHANI ra đời 1992, đánh dấu cho sự phục hồi và phát triển dệt thổ cẩm Chăm. Hy vọng trong tương lai nghề dệt thổ cẩm ngày càng phát triển, góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Cao Phương
Gửi bình luận