Thanh Hóa giải quyết những vấn đề “nóng”: Kỳ III: Đẩy lùi tệ “chạy” công chức nhà nước
Lúc đầu công việc xét duyệt cũng khách quan, minh bạch tìm ra được những người có năng lực làm việc bất kể họ là ai. Nhưng, khi vào biên chế như miếng bánh ngọt, thì tình trạng không công bằng, minh bạch, khách quan trong xét tuyển trở thành căn bệnh kinh niên nên dư luận mới có chuyện “6C” – cũng, con, cháu, các, cụ, cả!
Từ khi có chuyện thi công chức nó cũng giống như các loại thi: thi đấu thể thao, thi hoa hậu, thi tốt nghiệp, thi đại học…tình trạng chạy chọt, đánh dấu phách, đánh dấu bài thi, mang tài liệu, quay cop, con cháu các cụ qua vòng sơ tuyển đi thi… đã gây bức xúc trong dư luận. Chả thế ở thành phố nọ, có vị chức sắc phát biểu vào công chức phải mất cả trăm triệu đồng. Tuy mức độ khác nhau nhưng tình trạng này hầu như ở đâu cũng có.
Nhận thấy đây là vấn đề được xã hội quan tâm và cũng đang gây bức xúc trong dư luận, tháng 4/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỳ thi tuyển 189 công chức trong 482 thí sinh dự thi. Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thường xuyên có mặt để chỉ đạo cuộc thi này. Từ việc ban hành quy chế thi, ra đề thi, cán bộ coi thi, chấm thi đến việc chấm phúc khảo được đặc biệt quan tâm. Mặc dù đề thi tuyển công chức lần này ở mức độ vừa phải, nhưng bị quản lý chặt, thí sinh không quay cóp được tài liệu, không “cầu cứu” được bên ngoài, không được “trợ giúp” nên sau buổi thi thứ nhất đã có 69 thí sinh bỏ thi. Và kết quả sau 5 môn thi, kỳ thi công chức lần này chỉ đạt gần 29%, tỷ lệ “cực kỳ” thấp so với các kỳ thi trước (!?).
Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa tháng 7 vừa qua, phát biểu trước các vị đại biểu HĐND và cử tri Thanh Hóa, phần nói về công chức, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định “vào công chức nhà nước không phải mất tiền chạy chọt…”. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa hứa sẽ quyết tâm lập lại trật tự, lấy lại công bằng trong tuyển dụng công chức của Thanh Hóa, đảm bảo con em trong tỉnh đều có cơ hội ngang nhau khi tuyển vào cơ quan Nhà nước.
Làm rõ việc tại sao phải siết chặt kỷ cương trong việc thi tuyển công chức là một trong những giải pháp ưu tiên của UBND tỉnh Thanh Hóa trong lãnh đạo phát triển KT-XH của địa phương năm 2013 và những năm sau. Ông Trịnh Văn Chiến nói: “ Lâu nay dư luận bàn tán chuyện chạy công chức phải mất chừng này chừng kia tiền. Vừa rồi ở Lạng Sơn, người dân nói phải chạy chọt mất mấy chục triệu nhưng vẫn chưa được vào công chức. Ở Thanh Hóa chắc cũng có, thậm chí mức chi phí có khi nhiều hơn. Có khi chạy nhờ các đối tượng cò mồi, có khi nhờ các mối quan hệ chạy đến chỗ nọ chỗ kia. Điều đó hết sức nguy hiểm. Số cán bộ vào công chức bằng con đường chạy chọt chắc chắn khi vào làm việc rồi sẽ có vấn đề. Thứ nhất, đã mất tiền chạy việc thì bao giờ cũng phải tìm cách kiếm lại. Thế mới sinh tiêu cực, sách nhiễu nhằm trục lợi cá nhân. Thứ hai, do kiến thức kém, không thi tuyển đàng hoàng được nên chắc chắn không thể đáp ứng được công việc, gây ra sự trì trệ trong các cơ quan công quyền, kìm hãm sự phát triển KTXH của địa phương…”.
Đề cập đến kỳ thi công chức vừa qua ( tháng 4.2013) ông Trịnh Văn Chiến cho biết: “Qua việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi tuyển công chức vừa qua đã cho chúng ta thấy nhiều điều. Khi công tác ra đề, quản lý thi được tiến hành chặt chẽ, nghiêm ngặt, thì ngay lập tức đã cho một kết quả hết sức đáng buồn với chỉ chưa đầy 29% thí sinh đạt yêu cầu. Nếu thả phóng, chúng ta sẽ tuyển vào bộ máy công quyền những cán bộ không có bất kỳ tí kiến thức nào trong đầu…”.
Người viết bài này đã từng chứng kiến kỳ thi này và cũng có vài người bạn có con, cháu thi công chức lần này đều chung cảm nhận: “quá quyết liệt, quá nghiêm túc!”. Những người coi thi, chấm thi cũng được “quản thúc” nghiêm ngặt ở Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Thật sự kỳ thi tuyển công chức vừa qua ở Thanh Hóa có thể nói là một kỳ thi để lại trong dư luận nhiều cảm tình nhất. Bởi, lâu rồi chưa có kỳ thi tuyển công chức nào được tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm ngặt như vậy. Và, cũng chưa có kỳ thi nào tỷ lệ thí sinh đạt lại thấp đến như thế. Trong phát biểu của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khi nói tỷ lệ đạt thấp “ kết quả hết sức đáng buồn …”. Có lẽ, nỗi buồn của ông Chủ tịch tỉnh khi nghĩ về các kỳ thi trước đó (cao). Còn người viết bài này lại thấy vui vì, khi chúng ta thực sự nghiêm túc trong công việc (không chỉ thi công chức) dù kết quả có như thế nào đi nữa, thì kết quả ấy là thực chất.
Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân vì sao tỷ lệ thí sinh đủ điểm để tuyển vào công chức trong kỳ thi vừa qua ở Thanh Hóa đạt thấp đến như vậy? Câu trả lời rằng: bên cạnh việc tổ chức thi nghiêm túc còn có nguyên nhân, công tác sơ tuyển lại giao cho các huyện, các ngành (những nơi được tuyển dụng công chức) làm công tác sơ tuyển, sau đó đi thi. Và, câu chuyện “6C” từ thời xét duyệt vào biên chế nhà nước lại có dịp “hồi sinh” nên con em của nhiều người dân vẫn không thể lọt qua vòng sơ tuyển.
Với kỳ thi tuyển công chức vừa qua ở Thanh Hóa, cũng như việc chỉ đạo quyết liệt lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, du lịch có thể gọi đó là những “điểm sáng” vừa lóe lên. Hy vọng, trên tất cả các lĩnh vực Thanh Hóa tiếp tục thực hiện với trách nhiệm cao nhất để điểm sáng không chỉ lóe lên mà còn “ bừng sáng” và lan tỏa…n
“...Khi đi thi, các thí sinh chỉ tìm cách “quay” tài liệu và dựa vào các mối quan hệ, hoặc nghĩ sẽ dùng tiền để chạy chọt mong vào công chức nhà nước. Một số trường hợp khi bị bắt vì vi phạm quy chế thi đã nhận là cháu của bác nọ, bác kia khiến cán bộ coi thi không khỏi lúng túng. Khi hội đồng điện thoại cho tôi xin ý kiến, tôi đã yêu cầu hội đồng phải thực hiện đúng chức trách, kiên quyết lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm, bất kể các thí sinh đó là con cháu nhà ai, kể cả con tôi cũng vậy...” (Trích phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa lần thứ 7 tháng 7/2013) |
Nguyễn Cao Gia Bảo
Gửi bình luận