Thanh Hóa giải quyết những vấn đề “nóng”: Kỳ I : Chính quyền vào cuộc quyết liệt!
Một trong những lĩnh vực gây nhiều dị nghị và tạo ra dư luận không tốt chính là đất đai, tài nguyên. Hàng loạt các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cả người dân đều “chạy” dự án. Chả thế mà ở Thanh Hóa xuất hiện câu ca: Thi đua “chạy” dự án/ Thi đua giành đất “vàng”/ Thi đua vay ngân hàng/ Thi đua xin gia hạn! Công bằng mà nói cũng có những doanh nghiệp làm nghiêm túc khi được các cấp, các ngành thẩm định và cấp phép cho dự án. Nhưng, phần nhiều các doanh nghiệp, nhà đầu tư “vẽ” ra dự án hết sức hấp dẫn và hồ sơ năng lực đặc biệt là năng lực tài chính thì miễn chê. Khi đã lấy được đất mà hầu hết là những khu đất đẹp ở thành phố và một số huyện, thị thì triển khai chậm như “rùa bò”, hoặc chỉ làm chiếu lệ, nhằm xí phần, “bôi” ra để giữ đất, thậm chí, có những dự án kể từ khi nhận được đất đã kéo dài cả chục năm vẫn không nhúc nhích triển khai. Và hệ lụy từ đó, việc giữ đất đã khiến nhiều doanh nghiệp chây ì không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, làm thất thu ngân sách.
Nhận thấy vấn đề đất đai, tài nguyên, nhất là các dự án được cấp phép gây bức xúc trong dư luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt làm rõ những khó khăn, thuận lợi của từng dự án để ra quyết định phù hợp. Trên cơ sở các cấp, các ngành chức năng kiểm tra cũng như trực tiếp đi thị sát lại một số dự án, tháng 4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ra thông báo số 49/TB-UBND kết luận một số vấn đề về đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Điều đáng chú ý trong thông báo này là việc đánh giá đúng mức và khách quan những vấn đề nổi cộm thuộc lĩnh vực này. Đồng thời, đưa ra những yêu cầu mang tính quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền khai thác khoáng sản… triệt để (lượng tiền phải thu trên lĩnh vực này khá lớn).
Theo định kỳ vào thứ 5 hằng tuần, từ tháng 5/2013 đến nay, những đơn vị được giao thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, mời thầu các dự án có sử dụng đất tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh. Và qua đó cho thấy, những đơn vị không hoàn thành những nhiệm vụ thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh… (kết luận Thông báo 49/TB-UBND).
Cùng với việc phát đi thông báo số 49, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra 49 khu đất (trên 2.393.000m2) ở TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn và 4 huyện: Hoằng Hóa, Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương và cả 49 khu đất này hầu hết đều có vấn đề. Vì thế, với nội dung của thông báo lần này dư luận tỉnh Thanh cho rằng đây là bản “cáo chung” cho những doanh nghiệp cố tình không thực hiện những cam kết khi tham gia dự án. Khi bài báo này lên khuôn chúng tôi được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 36 giấy phép khai thác mỏ và hủy bỏ quyết định giao đất đối với 36 doanh nghiệp...
Bên cạnh việc vào cuộc quyết liệt về đất đai là công tác giải phóng mặt bằng để cải tạo nâng cấp đoạn QL 1A từ dốc Xây đến TP Thanh Hóa dài 36,4km và QL 47 đoạn TP Thanh Hóa đi thị xã du lịch Sầm Sơn (16km) cũng trở thành “tiêu điểm” tập trung giải quyết của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Khó khăn lớn nhất trong việc cải tạo nâng cấp QL 1A là việc giải phóng mặt bằng liên quan đến 2.172 hộ dân ở 1 thị xã và 3 huyện nằm dọc tuyến. Dự án được khởi công xây dựng tháng 8/2011 và hoàn thành trong thời gian 18 tháng. Đây là thử thách không nhỏ đối với tỉnh Thanh Hóa trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo giao thông trên con đường huyết mạch trong quá trình thi công. Thêm nữa, Bộ GTVT ra “tối hậu thư” cho tỉnh Thanh Hóa phải bàn giao mặt bằng sạch vào tháng 9/ 2012 và thông xe trước Tết âm lịch 2012. Tương tự, đoạn QL 47 từ TP Thanh Hóa đi thị xã Sầm Sơn cũng trở nên gay gắt trong việc giải phóng mặt bằng vì số hộ dân sống lâu đời dọc tuyến bị ảnh hưởng lên tới vài trăm hộ.
Thấy được tầm quan trọng của 2 tuyến đường này, tỉnh Thanh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Có bài học kinh nghiệm từ việc giải phóng mặt bằng tái định cư khu hóa lọc dầu Nghi Sơn (1.700 hộ) nhưng không thể chủ quan nên lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa phân công nhau thường xuyên kiểm tra bám hiện trường. Nơi nào dân chưa thông phải giải quyết có tình có lý để dân đồng thuận. Có câu chuyện vui nhưng là sự thật, đó là Chủ tịch tỉnh Trịnh Văn Chiến khi làm việc với lãnh đạo 1 huyện dọc tuyến QL 1A về giải phóng mặt bằng thì được nghe câu chuyện của dân như sau: Dân thắc mắc hỏi cán bộ thì được vị cán bộ nọ trả lời: Chúng tôi “đầu đội chính sách, nách cắp chủ trương”, cho nên chúng tôi nói các bác phải tin… Nghe thấy thế ông Chủ tịch tỉnh cười và nói với vị lãnh đạo huyện: Các anh “đầu đội chính sách, nách cắp chủ trương”, nhưng chủ trương, chính sách mà dân không được biết, không minh bạch thì dân làm sao tin được và tất nhiên ở đó việc giải phóng mặt bằng sẽ gặp trở ngại lớn…
Do sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên sâu sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, uốn nắn kịp thời cán bộ cấp dưới khi thực thi công vụ nhất là tiếp xúc, giải thích, công khai minh bạch chế độ đền bù đối với dân nên việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công đoạn QL 1A về trước thời gian 1 tháng (tháng 8/2012) nên đã thông xe trước Tết âm lịch 2012 và tiến độ hoàn thành được đánh giá là nhanh nhất (16 tháng).
Còn đoạn QL 47 từ TP Thanh Hóa đi thị xã Sầm Sơn (16km) cũng được thực hiện khẩn trương, nhanh gọn. Tháng 4/2011, khi vào mùa du lịch tắm biển Sầm Sơn, du khách còn phải “đánh vật” với đoạn quốc lộ này thì hè năm 2012, đoạn đường này đã trở thành con đường thảm nhựa phẳng lì và tuyến đèn cao áp chiếu sáng kéo dài 16km chạy theo dải phân cách được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần không nhỏ làm hài lòng du khách khi đến nghỉ mát ở Sầm Sơn mùa hè này.
Kỳ 2: Kỷ cương du lịch được lập lại ở Sầm Sơn
Gửi bình luận