Thắng cảnh chùa Tiên

Theo những người nghiên cứu lịch sử và am hiểu về đền, chùa, miếu mạo ở xứ Thanh thì vùng đất đẹp như tranh thủy mặc này trước khi có ngôi chùa được xây dựng tồn tại đến ngày hôm nay, nơi đây từng có một ngôi chùa cổ rất đẹp và uy nghi để rồi một lần vua Lê Thánh Tông kinh lý qua đây đã dừng lại vãn cảnh đề thơ:
“Nhìn non xanh biếc tầng không
Vách cao chùa cũ trập trùng mây qua
Cảnh xuân trời dịu chan hòa
Gió ôm cây cối đến là biếc xanh
Đất trời dựng thuở hồng mông
Quỷ thần đẽo gọt vô cùng nên thơ”
Áng thơ của vị vua thi sĩ Lê Thánh Tông vẫn còn sức sống bất tử ngân rung ở nơi đất chùa này cho đến tận hôm nay.Rất tiếc trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời tiết khắc nghiệt, ngôi chùa cổ mà vua Lê Thánh Tông từng đến và vịnh thơ không còn nữa.Nhưng, nơi cảnh tiên đất Phật, nơi ra đời của thiên tình sử Từ Thức – Giáng Hương vẫn làm say đắm lòng người mỗi khi có dịp đến đây thưởng ngoạn.
Vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931) sư cụ Lã Thị Hậu hiệu đạo Diệu Hằng, đạo danh Ngọc Hiếu qua đây thấy cảnh bốn bề tĩnh mịch, sơn thủy hữu tình, sư cụ Lã Thị Hậu đã bỏ tiền mua khu đất của làng Nhân Sơn sửa sang xây dựng chùa ngày một khang trang. Chỉ sau một thời gian ngắn, trên nền xưa đất cũ vườn đào tiên, ngôi chùa, phủ Mẫu, nhà Tổ, nhà Trai, phòng khách bể nước, giếng khơi đã được dựng lên khang trang, bề thế. Và, tiếng chuông tiếng mõ ngân vang, khách thập phương tấp nập thiện nam tín nữ đến thăm thiền vãn cảnh. Đến với chùa Tiên du khách đều cảm thấy xốn xang và dạt dào rung cảm bởi không gian văn hóa, lịch sử. Thiên nhiên nơi đây đầy hương sắc thấm đậm vào nhau thật đặc biệt.Bất kể cảnh trí nào cũng trở thành di tích của lịch sử, di tích của huyền thoại, di tích của tình yêu và nỗi nhớ. Tất cả hòa quyện vào nhau ngát hương lan tỏa cùng với âm thanh của phật tử tụng kinh gõ mõ, tiếng chim hót líu lô, tiếng nước chảy róc rách tạo thành bản hợp xướng tình ca ru lòng du khách…
Ngôi chùa hiện tại có kiến trúc thời Nguyễn với lối cấu trúc vòm cả tiền đường, hậu cung, trên mái lợp ngói mũi bình thường. Ba cửa ra vào cũng làm theo kiểu hình cuốn. Bên ngoài tiền đường là hiên chùa chính, phía ngoài mặt trước được nối liền bằng một gác chuông 3 tầng mái. Với lối cấu trúc như vậy, từ xa nhìn vào ta có cảm giác kiến trúc của chùa rất bề thế, hài hòa và cân đối. Ngoài chùa chính, ở đây còn có phủ Mẫu cũng được xây theo kiểu cuốn vòm, lợp ngói mũi ở ngay cạnh chùa. Đường vào chùa có 2 hàng nhãn cổ thụ có tuổi đời ngót nghét trăm năm càng làm cho chùa Tiên thêm cổ kính. Xưa kia quanh chùa là rừng đào và hoa mẫu đơn. Riêng mẫu đơn có loại màu đỏ, vàng, phớt hồng, tím. Chính nhiều loại hoa đẹp đặc biệt là đào đã làm cho tiên nữ Giáng Hương say đắm cảnh sắc và con người dưới trần gian. Và, nàng đã “liều mình” hạ giới để được thỏa thích ngắm hoa và gặp chàng Từ Thức…
Chùa Tiên ngay cạnh hồ Đồng Vụa và dựa lưng vào núi Nhà Bà nhìn thẳng ra biển Đông. Phía trước chùa cách khoảng 1000m là núi Mai Am Tiêm với huyền tích dưa hấu thời Hùng Vương. Đến chiêm ngưỡng chùa Tiên du khách không thể không lên đỉnh núi Nhà Bà để xem bàn cờ tiên, một bàn đá thiên tạo rất rộng có nhiều hình thù giống hình quân cờ. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa du khách sẽ thấy núi non, cây cối, làng mạc, hồ, đảo đầy quyến rũ và ngoạn mục. Khu vực chùa Tiên tọa lạc cách không xa là hồ Đồng Vụa, động Phủ Thông đều là những thắng tích với cảnh sắc hữu tình và nhiều truyền thuyết đậm chất dân gian và nhân văn rất gần với tâm linh nhà Phật. Cụm di tích chùa Tiên, động Phủ Thông, hồ Đồng Vụa năm 2004 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định cấp bằng công nhận Khu di tích lịch sử văn hóa.
Có điều, trải qua thời gian lại bị chiến tranh tàn phá chùa Tiên đã và đang xuống cấp. Vì thế, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở Thanh Hóa cũng như các nhà hảo tâm các doanh nghiệp và đồng bào quan tâm từ việc quy hoạch mở rộng không gian đến việc góp sức tiền của trùng tu tôn tạo sao cho chùa Tiên nói riêng cụm di tích chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, động Phủ Thông nói chung trở thành điểm du lịch lung linh tỏa sáng xứng tầm với những gì mà cụm di tích này vốn có…
Bài và ảnh: Hiếu Minh
Gửi bình luận