Tháng 9/2019: “Ngôi nhà chung” tổ chức “Vui Tết Độc lập”
Trong suốt tháng 9 tới, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Vui Tết Độc lập”. Đây là chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh 2/9.
Du khách tới tham quan Làng
Chợ phiên đặc biệt mừng Quốc khánh
Đến hẹn lại lên, vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động điểm nhấn Chợ vùng cao để phục vụ nhân dân và du khách trong dịp nghỉ lễ. Năm nay, chợ phiên đặc biệt này mang chủ đề “Về miền cao nguyên đá”, kéo dài từ ngày 30/8 - 2/9, tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc tại không gian chợ vùng cao Khu các làng dân tộc I.
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày... Điểm nhấn của Chợ phiên là không gian giới thiệu nét văn hóa, sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Hà Giang với chảo thắng cố nghi ngút khói, những món ăn hấp dẫn mèn mén, rượu ngô, bánh ngô, bánh tam giác mạch, măng trúc, thịt lợn đen… Thổi hồn cho không gian chợ vùng cao là sắc màu của những người phụ nữ vùng cao bên khung cửi trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của người phụ nữ Lô Lô, Mông, Giáy, Thái… Đồng bào dân tộc Giáy và Lô Lô đến từ huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) sẽ trình diễn giới thiệu múa trống còn đồng bào dân tộc Mông giới thiệu hội Vỗ Mông của dân tộc mình. Cùng với đó là các hoạt động giới thiệu các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc huyện Mèo Vạc như địu nước, đu quay, ném pao, đánh yến, kéo co, đẩy gậy, tung ngô vào quẩy tấu…
Hòa cùng không khí nhộn nhịp của phiên chợ, tại đây còn có chương trình dân ca dân vũ “Vui Tết Độc lập”. Cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc sẽ trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng lễ Quốc khánh 2/9 của dân tộc Mông, dân tộc Giáy, dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La và các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hoạt động hàng ngày tại Làng.
Tưng bừng mừng Tết Độc lập
Kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh, tại nhà triển lãm làng dân tộc III sẽ trưng bày lá cờ đỏ sao vàng số 490 rộng 54m2. Lá cờ số 490 đã hoàn thành nhiệm vụ được treo tại cột cờ quốc gia Lũng Cú – nơi đánh dấu cột mốc chủ quyền của quốc gia, vừa mang ý nghĩa biểu tượng của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lá cờ số 490 sẽ được trưng bày tại đây đến hết ngày 30/9/2019.
Đồng bào các dân tộc tại Làng cùng tham gia chợ phiên
Tại làng dân tộc Lô Lô sẽ có chương trình tái hiện lễ Rửa làng (từ 9h00 - 10h00 ngày 01/9), chương trình biểu diễn Rối cạn “Đồng vọng Rối Việt” của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn trong hai ngày 31/8 và 01/9. Còn tại Không gian làng dân tộc Ê Đê lại là nơi diễn xướng âm nhạc dân gian Tây Nguyên mang tên “Tiếng gọi đại ngàn” với màn diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre, Chingkram…, đến những ca khúc đầy sức sống cuốn hút của mảnh đất và người Tây Nguyên của các nghệ nhân đến từ Đắk Lắk. Vào dịp cuối tuần, tại đây có các chương trình giao lưu ca nhạc “Xôn xang, mênh mang Cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng.
Trong tháng 9, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết, trao giải cho những tác phẩm đạt giải của cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn”, Chương trình nghệ thuật “Tôi yêu Tổ quốc tôi!” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc tại cánh đồng Tổ quốc gấm hoa, Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chúng ta cùng xem và hiểu về nghệ thuật Tuồng” sẽ được tổ chức cùng với hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Chương trình du lịch homestay trong tháng 9 sẽ tập trung vào các hoạt động trải nghiệm tại nhà sàn Mường 2 trong không gian Khu các làng dân tộc. Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Hương
Gửi bình luận