Tham quan ở TP.HCM: Hội quán Nghĩa An
Cũng như các ngôi chùa Hoa cổ khác, trước chùa Ông có một khoảng sân rất rộng, có hồ phóng sinh. Hằng năm vào Tết Nguyên Tiêu, chùa tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của bà con nhóm ngôn ngữ Triều Châu, thu hút hàng ngàn bà con đến cầu an.
Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu , nhưng nét kiến trúc và hiện vật như liễn, câu đối, tranh vẽ, các tác phẩm điêu khắc trong chùa vẫn được bảo tồn, giữ được nét văn hóa cổ xưa. Chẳng hạn như các phù điêu, tranh điêu khắc hết sức sống động, tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình và tướng quân dắt ngựa, uy nghi tôn kính, oai phong lẫm liệt. Chùa Ông còn thờ bà Thiên Hậu, Thần Phước Đức và Thần Văn Xương, phía bên trái thờ ngựa Xích Thố, Mã Đầu tướng quân... Chính sự bảo tồn khá đầy đủ của di tích đã góp phần thu hút đông đảo nhân dân nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Chùa Ông còn có tên khác là “ Vay Phú miếu”. Cái tên này bắt nguồn từ một tục lệ dân gian tồn tại từ khi hình thành chùa tới nay, đó là: vào Tết Nguyên Tiêu, chùa chuẩn bị sẵn một số lượng lớn những quả quýt, bao lì xì, lồng đèn... để người dân đến mượn theo những qui ước bất thành văn: nếu mượn một thì năm sau, đúng vào ngày này phải trả thành hai. Tục lệ này giống như tục xin lộc đầu năm của người Việt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Người vay cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn khấm khá. Ngoài ra, còn có tục chui qua bụng ngựa (nhất là trẻ em) với dụng ý loại bỏ những điều không tốt lành của trẻ nhỏ là thói hư tật xấu, cầu sức khỏe, hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, thông minh... Vào mùa lễ hội, khách thập phương đến dâng hương nườm nợp, cầu phúc, vay phúc, xem hát, nghe nhạc cổ... Sôi động nhất là các màn biểu diễn của các đoàn múa lân truyền thống của đồng bào Hoa...
Không chỉ là nơi bàn việc bản hội, thờ cúng mà ngay từ khi hình thành, chùa luôn gắn bó với công tác từ thiện phúc lợi xã hội. Với tôn chỉ tâm nguyện: “ Lấy từ xã hội, làm cho xã hội”, Hội Quán Nghĩa An đã bảo trợ việc xây dựng và hoạt động của bệnh viện, trường học và nghĩa trang... Từ năm 1975 đến nay, các nhiệm kỳ Ban quản trị chùa đã duy trì và phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào nhóm ngôn ngữ Triều Châu - Trung Quốc, phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái làm tốt công tác bảo tồn bảo tàng di tích – hiện vật – văn hóa đồng thời tích cực tham gia các phong trào từ thiện và công tác xã hội.
Năm 1993, Hội Quán Nghĩa An đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng: “Di tích lịch sử - văn hóa”.
Nguyễn Trần
Gửi bình luận