Thách thức lớn đối với nhân lực buồng, phòng khách sạn
Trong thời gian tới, việc thiếu nhân lực về buồng, phòng khách sạn sẽ là thách thức rất lớn đối với, ngành khách sạn nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung bởi lẽ nguồn nhân lực có chất lượng được đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng cho nhu cầu thực tế là không đủ.
Thời gian tới, mục tiêu của CLB buồng, phòng Việt Nam là vẫn tiếp tục nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đào tạo của những hội viên, những nhà quản lý buồng, phòng của Việt Nam
Thiếu hụt trầm trọng
Du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt lượng khách tăng trưởng mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây. Số lượng khách sạn mới xây rất nhiều. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với 556.000 buồng, tăng 9.3% lượng cơ sở lưu trú, 9.4% lượng buồng so với năm 2017. Trong đó, hiện có 145 khách sạn 5 sao với hơn 47.100 buồng trên toàn quốc. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn thẳng vào tình trạng, thực trạng nguồn nhân lực cung cấp cho ngành khách sạn hiện nay đang còn rất thiếu, đặc biệt liên quan đến dịch vụ buồng, phòng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Du lịch, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam, cho biết: “Trong 10 năm trở lại đây, hầu hết tất cả các trường đào tạo về du lịch, đặc biệt là ở phía Bắc, khoa tuyển về nhân viên buồng phòng, trung cấp nghề buồng phòng gần như không có sinh viên, không đủ sinh viên theo học. Nguồn nhân lực có chất lượng được đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế là không đủ. Nguyên nhân vì ngành buồng phòng hiện nay mọi người vẫn chưa coi trọng đó là một ngành nghề và các thanh niên Việt Nam vẫn không mong muốn được làm việc ở ngành đấy. Hiện nay, dần dần những bạn trẻ học về du lịch thì làm về lễ tân, làm về sales chứ họ không muốn làm về buồng phòng. Đây là thách thức rất lớn cho du lịch Việt Nam”.
Trong thời gian tới, việc thiếu nhân lực về buồng, phòng là điều không thể tránh khỏi đối với ngành khách sạn nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung. Đa số hiện nay, các địa phương vẫn chấp nhận tuyển nguồn nhân lực mà họ không qua đào tạo. Về khách sạn thì đào tạo lại từ đầu. Đấy là thách thức lớn!
Và vì thách thức lớn đó, cũng sẽ là cơ hội để những người làm quản lý buồng phải nỗ lực bản thân mình, nâng cao kỹ năng đào tạo, kỹ năng quản lý để “dạy” cho những người chưa được qua đào tạo để làm tốt công việc, chất lượng ổn định… phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của khách.
Để hạn chế những thiếu hụt về nhân lực, các khách sạn đang phải chấp nhận tuyển những nhân sự không có kỹ năng hay được đào tạo chuyên nghiệp để làm việc. Thậm chí nhiều đơn vị chấp nhận lấy lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, lao động cao tuổi, những người không qua trường lớp, không có nghề… mang về khách sạn để đào tạo. Rõ ràng, việc đào tạo ấy, tốn rất nhiều công sức và thời gian để đảm bảo duy trì được chất lượng dịch vụ ổn định, tốt theo tiêu chuẩn quốc tế.
Những giải pháp… tạm thời
Chúng ta rõ ràng đang thiếu nguồn nhân lực buồng, phòng khách sạn. Nhưng để tuyển dụng lao động ở lĩnh vực này cũng không phải chuyện dễ dàng.
Theo chia sẻ của Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam, trên thực tế, hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên du lịch ra trường nhưng không làm về dịch vụ buồng, phòng cho nên phải lấy những bạn sinh viên mà có thể là ngành nghề khác, thậm chí những bạn học hết lớp 10 cũng đã tuyển dụng.
Cũng theo ông Quang, 10 năm trước, khi tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực buồng, phòng khách sạn, còn có thể yêu cầu ngoại ngữ như tiếng Anh, bằng cấp… nhưng dần dần, bây giờ nhiều khi cũng không cần yêu cầu bằng cấp nữa. Chỉ cần học đến hết lớp 10, có đủ sức khỏe, có quyết tâm theo ngành buồng phòng thì khách sạn nhận vào để đào tạo từ đầu. Dẫu vậy, với các khách sạn vào những mùa cao điểm, thường vẫn không đủ nhân lực.
Ông Quang cho biết thêm: “Thời gian tới, mục tiêu của CLB buồng, phòng Việt Nam là vẫn tiếp tục nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đào tạo của những hội viên, những nhà quản lý buồng, phòng của Việt Nam. Thông qua những chương trình đào tạo, các hội viên về sẽ đào tạo lại cho các cơ sở của mình để nhân viên ở các cơ sở đó sẽ có được chất lượng đào tạo ổn định, xây dựng ra những quy trình để đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định và tốt hơn.
Bên cạnh đó, CLB buồng, phòng Việt Nam cũng có những kế hoạch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Dạy nghề trong việc xây dựng chương trình đánh giá thẩm định nghề. Chẳng hạn, khách sạn có từ 1 – 5 sao thì nhân viên cũng sẽ có những thứ hạng như thế và quản lý cũng vậy. Những hội viên đạt chất lượng cao, đủ năng lực thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam nói chung, quản lý buồng phòng nói riêng”.
Theo chia sẻ của Chủ tịch CLB Buồng, phòng Việt Nam, mỗi cơ sở lưu trú muốn nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu, dấu ấn riêng của mình với khách thì phải chú trọng tạo những trải nghiệm riêng, mang tính đặc trưng cho từng du khách. Nhưng hiện nay nguồn nhân lực đang thiếu và yếu, chúng ta chưa duy trì và đảm bảo cung cấp được dịch vụ cơ bản thì khó có thể yêu cầu họ nâng cao dịch vụ để cho khách sự hài lòng.
Nguyễn Nam
Gửi bình luận