Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm VQG Bù Gia Mập
Cuối tháng 4 vừa qua, đề tài “Ðiều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập” được Hội đồng khoa học, do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước chủ trì đã thống nhất thông qua nghiệm thu.
Bà Ngô Thị Loan đang chăm sóc cá thể voọc trước khi hiến tặng
Sinh kế bền vững, gắn với bảo vệ rừng
Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000ha, được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao. Có nhiều loài động thực vật mang giá trị bảo tồn của quốc gia và thế giới. Vườn hiện có 17 loại thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 19 loài trong sách đỏ thế giới như: gõ đỏ, cẩm lai, trầm hương, giáng hương,… Có 36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam và 32 loài trong sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly,… Có 10 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài trong sách đỏ thế giới.
Đề tài “Điều tra, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập” do TS. Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm chủ nhiệm. Phạm vi nghiên cứu là vùng đệm của VQG Bù Gia Mập thuộc hai xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ (H. Bù Gia Mập), bao gồm 11 thôn với quy mô trên 2.500 hộ. Đề tài đã đề xuất các giải pháp cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm gắn với nghĩa vụ bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn và làm giảm các tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên của VQG.
Về các giải pháp sinh kế bền vững, đề xuất đối với các hộ không có đất sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho tham gia tổ nhận khóan bảo vệ rừng và tổ khai thác măng. Đối với các hộ có đất sản xuất dưới 5ha sẽ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn, tham gia tổ nhận khóan bảo vệ rừng và tổ khai thác măng. Đối với các hộ có đất sản xuất từ 5ha trở lên thì hướng dẫn đầu tư vốn và kỹ thuật để thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng nông sản; tuyên truyền, vận động tổ chức lao động tập thể theo hình thức tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để nông sản có thương hiệu và thuận lợi khi cạnh tranh với thương lái hay đối tác tiêu thụ. Theo tính toán, nếu thực hiện tốt đề tài thu nhập của người dân sẽ dao động từ 6,6 - 18,7 triệu đồng/tháng tùy theo nhóm đối tượng.
Cộng đồng nhận khóan thôn 3, xã Đắk Ơ (H.Bù Gia Mập) dọn đường ranh phòng chống cháy rừng.
Người dân tự nguyện hiến tặng động vật quý hiếm
Hội đồng khoa học cho biết thời gian qua đã có nhiều người dân trong tỉnh tự nguyện hiến tặng các loài động vật hoang dã quý hiếm, góp phần bảo tồn, phát triển giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Mới nhất là gia đình bà Ngô Thị Loan ở xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp) đã bàn giao một cá thể voọc chà vá chân đen cho Trung tâm Cứu hộ - bảo tồn - phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập. Đây là loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ quốc gia. Gia đình bà Loan hiện là chủ một quán nước nhỏ. Theo lời bà Loan kể, cách đây hơn mười năm gia đình bà làm nghề mua bán ve chai, khi đó con voọc độ 2 tuần tuổi, nặng chừng 200gam được một thanh niên đồng bào dân tộc rao bán, thấy thương bà đề nghị mua với giá 500 nghìn đồng. Nếu thả về rừng cũng khó tồn tại, bà đưa về nhà và chăm sóc như con của mình.
Đến nay cá thể voọc đã lớn với trọng lượng trên 8kg và thân thiện với mọi người trong gia đình. Thấy voọc dễ thương nhiều người dân trong và ngoài huyện đã đề nghị mua lại với giá 50 triệu đồng làm thú cưng, mặc dù hoàn cảnh khá khăn, ngoài quán nước nhỏ ra 2 vợ chồng không có nghề nghiệp gì, đang nuôi 3 người con đang tuổi ăn học nhưng gia đình nhất quyết không bán. Bà Loan nghĩ: “Voọc là động vật hoang dã nên luôn mong muốn gửi trả chúng trở về với rừng. Vì vậy, khi nghe tin Trung tâm cứu hộ - bảo tồn - phát triển sinh vật chuyên nhận các vật nuôi hoang dã để huấn luyện bản năng sinh tồn, sau đó thả về rừng nên gia đình đã chủ động liên hệ hiến tặng”.
Bà Loan chia sẻ thêm: “Chúng tôi thành tâm hiến tặng. Chỉ hơi phân vân vì chúng hiện đã khỏe mạnh nhưng lại rất thân thiện với người nên không biết khi trả về rừng thì liệu có sinh tồn được hay không?”.
Trước băn khoăn của gia đình bà Loan, ông Trần Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ - bảo tồn - phát triển sinh vật khẳng định: “Trung tâm sẽ có hướng chăm sóc, bảo vệ voọc đến khi nó có thể sinh tồn trong điều kiện tự nhiên thì mới thả về rừng. Cá thể voọc chà vá chân đen thuộc loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB cần được bảo vệ. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 200 đàn, trung bình mỗi đàn có khoảng 30 cá thể”. Ông Trưởng nói trong năm qua, Trung tâm tiếp nhận trên 28 trường hợp động vật hoang dã do người dân và cơ quan chức năng bàn giao. Trong đó có 2 cá thể linh trưởng quý hiếm, còn lại là các loại thông thường như hươu, nai, heo, cheo... góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn, phát triển động vật quý hiếm.
Cao Cường
Gửi bình luận