Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển Du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước
Ngày 19/11, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Tp. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương, lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh tham dự Hội chợ VITM 2020 đã tham dự.
Phó Giám đốc phụ trách Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác, phát triển Du lịch với các Sở Du lịch, sở VHTTDL 40 tỉnh, Thành phố trên cả nước. Sau khi ký kết, ngành Du lịch Thủ đô và các địa phương đã tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung liên kết trên 4 lĩnh vực hợp tác: “Phối hợp, hỗ trợ trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch”; “Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch”; “Phối hợp hỗ trợ khách du lịch”; “Đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành”. Qua đó, du lịch Thủ đô đã tạo lập sự liên kết liên ngành, liên vùng; xây dựng tour du lịch nội vùng, nội địa, quốc tế… Việc phối hợp trong phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, quản lý hoạt động du lịch đã được thực hiện hiệu quả, gắn với phát huy thế mạnh ở từng địa phương, góp phần tăng trưởng tốt cả về lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch cho ngành du lịch Thủ đô. Trong giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó du khách quốc tế có mức tăng bình quân 21,2%/năm. “Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch còn chưa xứng với tiềm năng liên kết vùng giữa các địa phương. Sự hợp tác cũng chỉ mới tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến. Trong khí đó, những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực... vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn còn những khác biệt về lợi thế, cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều”, Phó Giám đốc phụ trách Trần Trung Hiếu khẳng định.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất phương hướng với 6 nhiệm vụ trọng tâm: Liên kết có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là giữa nhà quản lý với các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách, các khu điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể giữa Hà Nội với các địa phương; hợp tác triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và các hoạt động kích cầu du lịch; tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; tham gia Hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng chương trình quảng bá, khảo sát, xúc tiến trao đổi khách giữa Hà Nội và các địa phương…
Toàn cảnh Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Du lịch Thủ đô trong việc tổ chức, tăng cường, liên kết, hợp tác thu hút khách đến Hà Nội và đưa khách đến các địa phương. Với vai trò là đầu tàu ở khu vực phía Bắc, Hà Nội đã chủ động, tích cực trong việc tăng cường liên kết, hợp tác trong việc hỗ trợ việc đào tạo nhân lực, tổ chức các đoàn khảo sát đến các địa phương, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Hà Nội và một số vùng du lịch trọng điểm như Hạ Long, Ninh Bình trên kênh CNN, hỗ trợ các địa phương trong việc tham gia Hội chợ quốc tế VITM, xây dựng sản phẩm… Nhất trí với báo cáo đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong quá trình liên kết, hợp tác. Các ý kiến đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả trong hợp tác, cùng phát triển: Cần tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đặc trưng, mang tính độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách, tránh xây dựng sản phẩm trùng lắp; hợp tác trên cơ sở tự nguyện, cạnh tranh lành mạnh không tự ý tăng giá vô tội vạ, giữ vững thương hiệu; hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất TCDL tham mưu cho Bộ VHTTDL ban hành quy chế liên kết Quốc gia; cơ chế về nguồn lực; cơ chế hỗ trợ kinh phí từ Trung ương; hỗ trợ trong việc ứng dụng Công nghệ 4.0…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, khi các địa phương vừa phải chống dịch bệnh COVID-19, vừa phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Việc hợp tác, liên minh và liên kết kích cầu du lịch càng giữ vai trò quan trọng hơn lúc nào hết nhằm mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, quảng bá du lịch các địa phương, thúc đẩy người dân đi du lịch trong nước, góp phần xây dựng thị trường du lịch nội địa bền vững và là tiền đề để tạo ra các sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, có chất lượng nhằm chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn. “Trong thời gian tới, để việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các địa phương đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương; nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour mới, sản phẩm du lịch độc đáo kết nối giữa các địa phương trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch; tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch giữa các địa phương; phối hợp xây dựng các sản phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch trong vùng liên kết. tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo thực hiện nguyên tác phát triển bền vững”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nêu rõ.
Thanh Sơn
Gửi bình luận