Tản mạn xuyên Việt
Thiên hạ đồn đãi, mắm tôm chua xứ Huế ngon, hấp dẫn, còn tôi thì: vứt! Chính người Huế mách tôi hãy thưởng thức tôm chua chính hiệu Dì Cẩn xứ Đà Nẵng. Từ đó, tôi cạch đến già cái món mắm tôm chua Huế được mấy người quanh các chợ, khu du lịch mời, ba lần mua thì hai lần không ăn được. Tốt hơn hết, không nên tả cái sự ngon của mắm tôm chua chính hiệu Dì Cẩn; tôi nghĩ để tự các bạn trải nghiệm, chỉ biết, vào mùa đông xứ Bắc, chấm miếng ba chỉ luộc với mắm này, kèm thêm lát hành củ, đưa cay bằng hớp rượu trắng cay nồng tưởng rằng mình đang cùng vua chúa ngự thiện…
Hội An
Mắm tôm chua chính hiệu Dì Cẩn; có ngon đến mấy thì cũng đến lúc giã từ miền đất thơ mộng đầy lăng tẩm vua chúa và kinh thành một thời vàng son để rong ruổi miền Trung…
Lướt xe theo đường ven biển, trời xanh, gió lộng, ấm bụng với tô mỳ Quảng chính hiệu, caffe cà pháo đàng hoàng, lũ chúng tôi gồm sáu tay “phượt già”, như sáu ông vua, lên đường, bàn nhau tìm hiểu thương cảng Faifo, chả biết sau này phiên âm thế quái nào lại trở thành Hội An.
Khổ nỗi cả sáu ông đều bụng thì to, lại mỡ thì nhiều, chân thì lâu ngày không sử dụng, mà cái phố cổ Hội An lại không dành cho những thằng cưỡi ô tô ngắm phố… (Hội An cấm xe đi vào phố cổ), thành ra khá mệt, cùng với cái nắng nóng xứ Quảng nên phần nào cũng làm cho sự thú vị giảm mất mấy chục phần trăm. Còn tôi có cảm giác Hội An giống như Hàng Ngang, Hàng Đào những năm sáu mươi thế kỷ trước của Hà Nội. Chủ yếu những ngôi nhà thấp, đa phần hai tầng, cổ kính rêu phong… Độc đáo ở đây là những Hội quán của người Tàu khi xưa để lại, tiêu biểu có lẽ là Hội quán Phúc Kiến…
Thành phố (Hội An) này nằm bên cửa sông, đã từng là thương cảng nổi tiếng, chắc xưa kia tấp nập hàng hóa lắm, nay lơ thơ mấy cửa hàng đèn lồng chả biết có bán được nhiều không, nhưng thấy treo la liệt. Mấy hiệu may trông cũng có cái gì đó xưa cũ, vài cửa hàng thời trang chắc chắn chín phần của Tàu... Độc đáo nhất có lẽ là cái cầu, giữa cầu có cái miếu thờ ông gì đó mà mặt đỏ choét, thoạt trông thấy đích thị không phải thần thánh của người Việt. Cầu có tên riêng là gì tôi chưa kịp tìm hiểu, nhưng thấy ai cũng gọi là Chùa cầu.
Sáu “phượt già” lúc đi đã có người bảo hãy thưởng thức Cao lầu xứ Hội. Và thế là hỏi đường rồi cũng đến ngôi nhà hai tầng, phố ấy...phường ấy... có món Cao lầu nổi tiếng,… Sau khi cố nhồi vào bụng sáu tô mỳ có mùi thuốc bắc, cả bọn đồng thanh: phí tiền!
Lại đồn, trấn Faifo có đến hơn tám chục cái giếng cổ của họ Trần , họ Lưu nước trong vắt, dân bản địa chuyên dùng để nấu ăn và pha trà. Nổi tiếng nhất là giếng Bá Lễ, dùng nước này hãm trà, kể như được uống trà tiên của ngọc hoàng thượng đế. Lân la hỏi thăm đến nơi, gọi ấm trà , dặn kỹ chủ quán phải pha bằng nước giếng Bá Lễ, đắt rẻ không thành vấn đề. Chờ mãi đến nỗi thiu thiu ngủ gật, giật mình thấy chủ quán bưng khay trà lại ngỡ “tiên ông quá hải” tích Tàu xưa... Chiêu ngụm trà chưa kịp đưa xuống cuống họng đã: ôi, ông bà cha mẹ ơi, thứ nước trà tiên pha bằng nước giếng Bá Lễ là cái giống chè bờ rào (Blao) xứ Langbiang, chả thấy gì là tiên trà, mấy thằng bảo nhau, phen này trở lại Thủ đô ông quyết, uống hẳn một ấm tích trà Tân Cương Thái Nguyên cho biết mặt...
Lại nghe Phạm Tuấn đề xuất, ở Cầu Mống có quán bê thui mà đứa nào chưa ăn coi như chưa đến Quảng Nam. Thế là hộc tốc bỏ Hội An lao sang Cầu Mống, Tuấn gấu đi nhiều, cũng bị lừa nhiều, đã mấy lần xực Cầu Mống giả rồi nên lần này hắn cẩn tắc dùng GPS và hỏi kỹ thổ dân, quán nào mới là quán đích thị “bê thu Cầu Mống”…
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam
Bỏ quốc lộ một, rẽ theo đường cũ ngược vào làng khoảng ba trăm bước gặp ngay “quán Mười” đích thị hàng thật. Nhìn thấy dân bản địa gọi bê thu theo xuất, sáu “phượt già” cũng cao giọng tuyên bố: sáu xuất. Giời ạ, già mà còn không nên nết, hoá ra những người vào quán ăn khỏe, họ gọi mỗi người một xuất, một loáng hết veo, còn sáu “phượt già”, đường xa, ăn vặt nhiều, sức kém, nên khi quán bê ra 6 xuất cả bọn vã mồ hôi, biết thế gọi 3 là vừa… Ăn căng cả bụng nhưng vẫn còn nhiều phải đến sáu người nữa ăn vẫn đủ…, tiếc rẻ, nhưng bụng quá no, nhưng mà ngon, ngon tuyệt. Minh già tiếc rẻ, gọi mấy cái hộp xốp trút hết vào định bụng chiều làm thêm bữa nữa…
Du lịch quái gì mà từ sáng đến giờ toàn là ăn, thời gian phần nhiều ở trong quán ăn... Phạm Quang Tuấn thay mặt ban chỉ huy ra lệnh cho nhóm “phượt già” vào viếng nghĩa trang và tham quan tượng đài Mẹ VNAH ở Quảng Nam…
Khắp non sông, đất nước này, huyện nào, tỉnh nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ, thậm chí xã cũng có, vậy mới biết dân tộc chúng ta đã mất mát quá nhiều. Chẳng thằng đàn ông nào muốn khóc nhưng ý chí không ngăn được những giọt nước mắt mỗi khi đứng trước mộ các đồng chí, đồng đội đã không bao giờ về nữa. Nỗi đau người lính đã vậy, nỗi đau các bà mẹ còn lớn hơn nhiều. Lấy biểu tượng tiêu biểu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ , người mẹ mất đi chồng mình và mười một người con cháu trong cuộc chiến năm xưa là minh chứng cho cả một dân tộc anh hùng… Thăm khu tưởng niệm, đau xót cho những mất mát, hy sinh. Và còn bao nhiêu nữa, những con người không tìm được cả chút xương tàn, mộ phần thất lạc nơi trận chiến xưa… Thôi, đành kính cẩn nghiêng mình ghi lòng tạc dạ công ơn các mẹ, các anh, các chị. Họ sẽ còn mãi với đất nước, non sông!
Rời Quảng Nam, trời đã về chiều, sáu cựu binh lầm lũi, lặng lẽ bước, chẳng ai nói một lời…
(Còn nữa)
Lê Minh
Gửi bình luận