Tản mạn xuyên Việt
Chẳng phải ký sự, cũng không hẳn hồi ký, chỉ là chuyện mấy ông lính già dặt dẹo rủ nhau lang thang dọc cái mảnh đất chữ S đầy đau thương, nước mắt và cũng vô cùng tươi đẹp này.
Nói vậy mà không hẳn vậy, riêng cái miệt Đông, Tây bắc tôi thu thập thêm những cảm nhận của các bạn đồng đội và cho nó vào mục riêng, viết sau. Phần này chỉ đề cập đến những địa danh từ sau vĩ tuyến 17 vào đến Cà Mau.
Cái thằng tôi, vốn được chiến hữu cũ ghét cay ghét đắng , chúng nó rủ mình lang thang dài ngày chắc để có dịp tổng xỉ vả cái bản mặt câng câng của mình, hoặc giả coi như mình là cái bình chứa cồn mỗi khi chúng nó tập trung vào lái xe. Thế mà cái mặt thớt của mình trơ ra, cứ theo chúng nó liền tù tì đến tận năm lần... liên tục trong năm năm gần đây nên não có đất sét đến mấy thì cũng ghi nhớ được chút ít.
Hẹn hò trước hàng vài tháng, thông báo rộng rãi trong mọi cuộc nhậu, rút cục lại cũng chỉ có sáu thằng đủ điều kiện lang thang.
Ông Phạm Tuấn đã đúc kết bốn điều kiện phải có mới đánh đu được, một là phải đủ sức khoẻ, hai là phải gom được tí xèng ( xin, vay, trộm cắp không cần biết), ba là bố trí được thời gian, không có... chưa đến Vinh, con nó đã léo nhéo gọi về trông cháu.
Điều kiện thứ tư là phải có máu lang thang, chứ nhiều thằng tiền tiêu rủng rỉnh, thời gian tỷ phú mà rủ chẳng bao giờ đi. Ngày lên đường, thống nhất với nhau tiêu chí : ngon, bổ, rẻ.
Đi ngày đàng, học sàng khôn mà cái thằng bạn mình nó đã đi không phải một ngày mà là hàng trăm hàng nghìn ngày rồi nên nó có hẳn không phải sàng nữa mà là cả một núi khôn.
Một mạch từ Hà Nội đến Vinh, mỗi lần đi là một lần thưởng thức đặc sản khác nhau của xứ Nghệ, nào là súp lươn, vịt cầu quán, gà hấp, bánh mướt bốc tay, chỉ... duy nhất món... cá gỗ chưa được ăn lần nào.
Chén xong bữa trưa lại hăm hở lao tiếp về phía kinh thành nhà Nguyễn,có lần nghỉ ngơi ăn tối ở Huế với món gà bay, mà cái số mình đen, lần nào cái quán này nó đều cho mình ăn chân gà còn nguyên bít tất, hoặc giả các loại bánh Huế, ăn xong chất đầy một bàn bát đĩa mà vẫn chưa no.
Sáng hôm sau, cái thằng lái xe kiêm đoàn trưởng, kiêm hướng dẫn viên du lịch, kiêm luôn cả chức bạn thân cho bọn mình xem cặn kẽ cái cố đô thứ hai hoành tráng ra sao. Mười ba đời vua, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945). Đã xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hoá, ẩm thực và nghệ thuật. Tôi không liệt kê những cung điện, đền đài, những cái đó dành cho trải nghiệm mỗi người.
Ở đây, tôi chỉ muốn nói điều ít người biết. Nhà Nguyễn có hai vụ án nổi tiếng, đều rơi vào bậc khai quốc công thần, đời Gia Long, Nguyễn Văn Thành phò Nguyễn Ánh từ buổi lập quốc, đã từng chịu bao gian khổ, bị anh em nhà Tây Sơn rượt đuổi qua Cao Miên, lang thang chạy ra Phú Quốc, biết bao đói khát, khổ sở , khi vua Gia Long lên ngôi, con trai Nguyễn Văn Thành có làm bài thơ bị gian thần dèm pha là mang tính phản loạn , ông bị ép uống thuốc độc, trước khi chết, Nguyễn Văn Thành để lại một tờ tấu , tờ tấu đó chỉ đến được tay Gia Long khi ông đã chết, vua khóc vì không bảo vệ được trung thần của mình.
Vụ thứ hai đời vua Minh Mạng , ông vua mà ngày nay, cánh đàn ông hậu sinh luôn ngả mũ cúi chào, kính phục ông vì năng lực giường chiếu.
Tả quân Lê Văn Duyệt, bậc chiến tướng lão thành từ ngày đầu lập quốc có con trai là Lê Văn Khôi nổi loạn. Lê Văn Duyệt bị Minh Mạng xuống chiếu xử trảm, nhưng khi lệnh vua ban ra, ông đã mất nên mồ mả bị đào lên vứt mất xác. ..
Xứ Huế cũng là nơi thằng chết nuôi thằng sống. Làng An Bằng , huyện Phú Lộc có hẳn một thành phố mồ mả, lượn lờ trong cái nghĩa địa khổng lồ ấy ba ngày không hết. Chả hiểu ai là người khơi mào, nhưng dân Việt kiều làm qua xứ người, chắc kiếm được một mớ , nhớ ơn tổ tiên nên gửi tiền về xây mộ, thôi thì xanh, đỏ, tím, vàng, kiến trúc lăng tẩm đủ các dòng Đông Tây kim cổ, ngôi nào bé cũng cỡ dăm tỷ đầu tư, những ngôi hoành tráng to hơn cả một ngôi chùa, cũng lớp lang phong thuỷ, tiểu cảnh, giả sơn đủ cả. Chắc bà con ở trong nước, nguyên việc thầu xây mộ cũng kiếm một mớ đẫy.
Chuyện xứ Huế có mà kể cả ngày không hết, cái xứ thời gian như ngừng trôi, mọi việc đều chậm rãi , từ uống ly cafe, ăn cơm hến, bánh xèo đến thả hồn theo dòng sông Hương nghe hò Huế, cứ chầm chậm, man mác, phiêu diêu đến tận chân đèo Hải Vân... (còn nữa)
Lê Minh
Gửi bình luận