Tản mạn Stốc-khôm
Vào thời điểm Bắc Âu lạnh giá nhất thì Đoàn nghiên cứu về thông tin công chúng phục vụ hoạt động của Quốc hội gồm hầu hết các nhà báo và một số cán bộ của Văn phòng Quốc hội lên đường đi Stốc-khôm, Thủ đô của Vương quốc Thụy Điển.
Do vẫn mang trong mình “máu nghề nghiệp” nên cứ cuối giờ làm việc mỗi buổi chiều, thay vì về phòng nghỉ ngơi, chúng tôi lại cùng “cánh nhà báo” rủ nhau dạo phố để được đắm mình vào nhịp sống của người dân Stốc-khôm. Mặc dù xẩm tối, nhiệt độ ngoài trời thường âm 9-10 độ, tuyết bay dày đặc, trắng xóa, ai nấy ăn mặc lòa xòa, mũ lông, áo dạ, găng tay, vừa đi vừa chạy, không phải vì vội mà vì cưỡng bức cơ bắp sinh nhiệt để chống lại cái rét tê cóng. Thú thực, phải cảm ơn những buổi “thâm nhập thực tế”, như cánh nhà báo vẫn thường nói, tôi mới có chất liệu để viết những dòng tản mạn Stốc-khôm này.
Thành phố Stockholm của Thụy Điển cũng có mặt trong danh sách 10 thành phố an toàn nhất thế giới
Khẩu súng thắt nòng
Stốc-khôm cũng giống như thủ đô của các nước châu Âu, ở công viên, ngã tư, góc phố thường có rất nhiều tượng đài, phù điêu, biểu tượng… bằng đủ các chất liệu, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là các cụm tượng đài danh nhân văn hóa, các nhà khoa học, các chính khách, những bức phù điêu biểu tượng cho sự khát khao hòa bình, những tấm pa-nô lớn về tình yêu vĩnh cửu, về sức sống trường tồn của thiên nhiên và con người… Từ dòng sông bang, dọc theo phố đi bộ Sê-gen-ga-tan, tôi sững lại vì chợt nhìn thấy khẩu sung ru-lô phóng đại, được đúc bằng đồng, nòng súng bị thắt nút như ta thắt dây thừng. Khẩu súng được đặt trên bệ đá hoa cương cao ngang tầm mắt. Anh bạn tôi, Tổng biên tập một tờ báo nói: Đây là khẩu ru-lô thắt nòng mang ý nghĩa chống chiến tranh! Anh còn cho biết: Ở trụ sở Liên hợp quốc cũng được đặt một khẩu nguyên mẫu như thế. Sức mạnh của vũ khí đã bị chặn đứng. Có lẽ cũng vì ý tưởng sâu xa này mà hàng trăm năm nay, Thụy Điển là Vương quốc gần như không mảy may hứng chịu mũi tên, hòn đạn. Tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh Bác Hồ kính yêu của chúng ta lấy tay bịt nòng pháo trên một chiến hạm của quân đội Pháp. Cử chỉ của Bác mang ý nghĩa thật lớn lao: hãy chấm dứt chiến tranh, hãy vì một thế giới hòa bình.
Khẩu súng buộc nòng ở Thụy Điển, (ảnh TL)
Bài học về con tàu Vát-sa
Ở Stốc –khôm có một bảo tàng rất lạ, không giống bất cứ bảo tàng nào trên thế giới. Đó là bảo tàng lưu giữ một con tàu bị đắm cách đây hơn 3 thế kỷ, lẽ ra nó đã nằm im lìm dưới đáy biển vĩnh viễn, nếu không có quyết tâm lớn của Chính phủ Thụy Điển là tìm mọi giải pháp để trục vớt bằng được con tàu Vát-salên. Người thuyết minh của bảo tàng cho chúng tôi biết: Để chứng tỏ sức mạnh hải quân của mình không thua kém bất cứ quốc gia nào, vua Thụy Điển cho đóng con tàu khổng lồ, cao ngất như một chiến hạm. Trên tàu với hơn trăm thủy thủ tinh nhuệ, thiện chiến, trang bị cả đại bác bắn tầm xa để sẵn sàng nghênh chiến với các hạm tàu nước ngoài rình rập, nhòm ngó Vương quốc Thụy Điển thời đó. Song tiếc thay, con tàu vừa rời cảng mấy trăm mét đã bị lật úp, tài sản lớn của nhà vua cùng sinh mạng và công sức của nhân dân bỗng chốc bị chôn vùi dưới đáy biển.
Chiều tối hôm đó đang bách bộ trên đại lộ Bét-cốp-ska tình cờ chúng tôi gặp mấy người Việt, mang quốc tịch Thụy Điển. Họ đều đã định cư ở đây ngót ba chục năm, thấy chúng tôi các anh chị mừng lắm, vồn vã hỏi thăm tình hình đổi thay của quê hương, đất nước và ngỏ ý: Đoàn cần thăm thú ở đâu họ sẵn sàng đưa đi. Chúng tôi kể về việc mới tham quan bảo tàng tàu Vát-sa buổi trưa nay, chị Út Thư có tên Thụy Điển là Ta-đao-bren-na hiện đang là giáo viên dạy môn sử học của một trường phổ thông ở Stốc-khôm hỏi chúng tôi:
- Các anh có biết nguyên nhân nào dẫn đến việc con tàu Vát-sa bị đắm không?
- Do trọng lượng con tàu quá lớn, lại bị lệch tâm, mất cân bằng chứ gì? – Anh bạn tôi trả lời theo cách giải thích của người thuyết minh ở bảo tàng.
- Đó chỉ là nguyên nhân kỹ thuật – chị Ta-đao-bren-na xua tay- còn nguyên nhân sâu xa, gốc rễ là do nhà vua Thụy Điển lúc bấy giờ vừa kiêu hãnh, vừa bảo thủ, không đếm xỉa đến lời can gián của những quần thần, họ nhiều lần tấu trình với nhà vua là phải thay đổi thiết kế con tàu, vì tàu quá cồng kềnh, đồ sộ, chiều cao hơn cả chiều dài thân tàu, ra biển không thể chống chọi với sóng to, gió lớn, nhất định sẽ gặp hiểm họa khó lường. Nhà vua không những bỏ ngoài tai tất cả mà còn ra lệnh “Phải đóng to hơn, cao hơn nữa để cho tàu địch nhìn thấy tàu của ta phải khiếp vía, kinh hồn!”. Trước lúc khởi thủy, nhà vua còn cho chất thêm nhiều vũ khí hạng nặng, đạn dược, thuốc súng, lương thực, thực phẩm… cho chuyến đi biển dài ngày, nhằm thị uy các tàu đối phương. Vì thế, bi kịch đã xảy ra ngay sau khi hạm tàu vừa nhổ neo rời bến cảng.
Hôm ấy, chúng tôi thu nhận được bài học bổ ích từ con tàu Vát-sa, đó là: dù ở cương vị nào, cương vị càng cao, càng phải biết nghe lời khuyên can, lời can gián của dân, của cấp dưới.
Xích-lô Việt Nam có mặt tại Thụy Điển
Đi trên đường phố Stốc-khôm, cảm giác mà ai dù một lần đặt chân tới đây cũng phải ghi nhận là rất thanh bình, không hề ồn ào náo nhiệt như các thủ đô khác ở châu Âu. Hơn một tuần ở Stốc-khôm, chúng tôi không hề nhìn thấy bóng dáng một chiếc xe máy, phương tiện đi lại ở đây chủ yếu là xe buýt. Ông Lét Mát-tơ, người hướng dẫn chúng tôi đi thăm thành phố cho biết: Các quan chức Chính phủ, các chính khách nghị viện phần lớn đi đến công sở bằng các phương tiện công cộng. Để hưởng ứng phong trào trong lành hóa đô thị, chống ô nhiễm môi trường, có những ngày ông Thủ tướng và các ông Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thị trưởng rủ nhau đi bộ hoặc đạp xe đến văn phòng làm việc. Nhân nói chuyện về phương tiện đi lại, ông Lét Mát –tơ quay sang hỏi chúng tôi:
- Các anh có biết một loại phương tiện rất thú vị của Việt Nam, hiện đã có mặt ở thủ đô Stốc-khôm không? Anh em chúng tôi nhìn nhau vì câu hỏi bất ngờ này, không ai trả lời nổi. Ông Lét Mát-tơ cười hể hả và giải đáp:
- Tôi cũng biết là các anh không thể đoán ra, đó chính là xe xích-lô. Ba chiếc xích-lô nguyên mẫu của Việt Nam đã xuất hiện tại Stốc-khôm vào tháng 5/2003, do chính người Thụy Điển lái, chở người Thụy Điển đi dạo phố. Chỉ có điều xe xích-lô ở Stốc-khôm có bề ngang nhỉnh hơn một chút so với xe xích-lô ở Việt Nam cho phù hợp với khổ người Thụy Điển.
- Nghe nói người chế tạo những chiếc xích-lô này là người đã từng hai lần sang Việt Nam và chụp rất nhiều ảnh về xích-lô trong mọi tư thế hoạt động.
Xích-lô Việt Nam có mặt ở thủ đô Stốc-khôm! Viết đến đây, tôi chợt thấy lo lo: rồi đây hình ảnh chiếc xích-lô có biến mất như hình ảnh con tàu điện leng keng thân thuộc xưa kia không? Trong khi các thành phố hiện đại ở nhiều nước đang thay dần phương tiện có động cơ ô nhiễm bằng các phương tiện tự đạp, hoặc đi bộ!n
L.N.T
Gửi bình luận