Tác phẩm “Với quê Thanh” tiếng nói tâm tình về quê hương của văn nghệ sĩ, nhà báo người Thanh Hóa ở Hà Nội
Thanh Hóa một vùng địa linh, nhân kiệt, nơi sản sinh biết bao người con ưu tú cho đất nước từ thời Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc cho đến hôm nay…Kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, Ban liên lạc Văn Nghệ sĩ – Nhà báo Xứ Thanh tại Hà Nội đã sưu tầm, biên soạn xuất bản một cuốn sách khá đồ sộ dày 500 trang, in trên giấy cút sê dày, bìa cứng, hết sức trang trọng, lưu danh hơn 116 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, họa sĩ... đã, đang hoạt động trên các lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật của đất nước, giai đoạn từ sau đổi mới đến nay (1986 – 2016)…
Trong số các văn nhân, nghệ sĩ được lưu danh trong tác phẩm đồ sộ này, có nhiều người đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và được phong các danh hiệu cao quí như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú…Có nhiều người đã về cõi vĩnh hằng và cũng có nhiều người thuộc thế hệ trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Có người hôm nay vẫn còn giữ trọng trách trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước và có cả những người đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc về sống vui khỏe cùng con cháu gia đình…, cuốn sách đã khắc họa rõ tâm tư tình cảm của mỗi người con Thanh Hóa với quê hương của họ. Dù họ ở vị trí nào, cương vị công tác khác nhau ra sao, cũng như ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật riêng biệt, nhưng trong mỗi tác phẩm của họ vẫn đong đầy tình cảm với quê hương, một sự khao khát đến cháy bỏng về một xứ Thanh giàu mạnh thông qua các tác phẩm văn hóa nghệ thuật điển hình mà năm tháng họ chắt chiu có được trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
Ta sẽ bắt gặp những gương mặt thân quen trên văn đàn, báo chí, nghệ thuật, hội họa, nhiếp ảnh …, những năm tháng qua có tới 116 người, trong đó có 18 nhà văn, 30 nhà thơ, 13 nhà báo đã thành danh, 30 nghệ sĩ tạo hình, 18 nghệ sĩ biểu diễn và 7 nhạc sĩ. Có 3 người đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 người đạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Có 13 Nghệ sĩ nhân dân, 3 nghệ sĩ ưu tú và còn nhiều người nữa mà Ban liên lạc chưa có đầy đủ thông tin để đưa vào cuốn sách…
Tiến sĩ - Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Trưởng Ban liên lạc văn nghệ sĩ xứ Thanh ở Hà Nội cho biết: “ Trong quá trình biên tập và thu nhập thông tin, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người tuy ở Hà Nội, nhưng tuổi cao, sức yếu và không có số điện thoại để liên lạc lấy tư liệu. Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VHTTDL có nhiều cố gắng giúp đỡ trong việc tìm tư liệu, giải thưởng và phong tặng hàng năm, nhưng mấy chục năm đã qua, lưu trữ thông tin không đầy đủ, cùng với việc tách nhập Bộ cũng làm cho việc sưu tầm này gặp nhiều trở ngại…”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những vị lãnh đạo đã từng sinh sống, làm việc ở Thanh Hóa về cuốn sách cho thấy: Đây không chỉ là bộ sách quí về Văn học Nghệ thuật và Báo chí mà còn là một bộ tư liệu về khoa học xã hội, để các nhà nghiên cứu tra cứu về Văn nghệ sĩ, nhà báo về một giai đoạn có nhiều biến động của lịch sử và quê hương Thanh Hóa.
Ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Bộ sách còn là những tư liệu quí cho dư địa chí địa phương, nhân vật chí hiện đại, là tư liệu cần cho các nhà khoa học xã hội. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đúng để nâng cao hình ảnh người Xứ Thanh ở bốn phương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tự hào về nền văn hóa tỉnh Thanh”.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “ Quê hương nghĩa nặng tình sâu, những con em Thanh Hóa ở Hà Nội vẫn luôn động viên nhau mỗi người tùy tâm, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện góp một phần nhỏ bé, xây dung và phát triển quê hương…”.
Cái hay, cái thực tế của cuốn sách, đó là những tâm sự của người con Thanh Hóa với quê hương đất nước, bằng chính những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, báo chí đã góp một phần nhỏ công sức của mình vào để xây dựng quê hương Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu, như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời...
Bộ sách VỚI QUÊ THANH là một công trình khoa học về văn hóa xã hội, có ý nghĩa không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn có giá trị cao trong tương lai. Cuốn sách không chỉ lưu danh những người con xứ Thanh xa quê, mà còn là nguồn sử liệu quí giá về một thời hào hùng của những con người đã khắc vào lịch sử dấu ấn quê hương, dù chỉ trong một giai đoạn ngắn từ 1986 – đến nay…
Nguyễn Dương
Gửi bình luận