Sinh viên cần cập nhật những xu hướng mới trong ngành Du lịch
Ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn Phòng TCDL đã nhấn mạnh như vậy tại chương trình gặp mặt và định hướng nghề nghiệp cho tân sinh viên niên khóa 2018 – 2022 do Khoa Du lịch (Viện Đại học Mở Hà Nội) tổ chức ngày 12/9.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở đã gửi lời chào và chúc mừng 300 tân sinh viên đã chọn Khoa Du lịch (Viện Đại học Mở) để học tập và rèn luyện. Chương trình gặp mặt và định hướng nghề nghiệp cho tân sinh viên niên khóa 2018 – 2022 cũng là hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà Khoa Du lịch thực hiện hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội.
Chia sẻ với các bạn tân sinh viên, TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh, với sự phát triển hiện nay, Du lịch là ngành có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai bởi đáp ứng nhu cầu của con người. Bởi thế, ngành Du lịch luôn đòi hỏi nhân lực làm việc trong ngành có tri thức, tầm hiểu biết sâu, rộng. Trong những năm qua, định hướng phát triển chung của Viện Đại học Mở cũng như Khoa Du lịch đã khẳng định hiệu quả của các chương trình đào tạo ứng dụng, sinh viên được tham gia vào thị trường lao động, tìm được việc làm và có cơ hội khẳng định chính mình.
Các đại biểu chia sẻ tại chương trình định hướng nghề nghiệp
Để truyền lửa cho thế hệ sinh viên Khoa Du lịch, nhất là tân sinh viên, tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ những định hướng, kinh nghiệm làm việc cũng như những yêu cầu, thách thức mà thị trường lao động đặt ra cho những bạn trẻ hiện nay. Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng TCDL, Du lịch hiện đang là một ngành “hot”, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Chính phủ thông qua xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. Với những yêu cầu từ sự phát triển của ngành, nhu cầu nhân lực ngày càng cao, hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề có tuyển sinh ngành Du lịch có tỉ lệ sinh viên đăng ký và nhập học cao.
Du lịch cũng là ngành mà xã hội đặt kỳ vọng lớn về khả năng phát triển. Theo đà phát triển đến năm 2020, Việt Nam có thể cán mốc đón 20 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Với số lượng khách đó thì nhân lực là một cơ hội rất lớn. Hiện nay, chúng ta ước tính có 750-800 nghìn lao động trực tiếp trong ngành Du lịch, 3 triệu lao động gián tiếp trong ngành Du lịch thì đến năm 2020 thì chúng ta phấn đấu có đến 1,5 triệu lao động trực tiếp và 4, 5 triệu lao động gián tiếp. “Như vậy với yêu cầu khổng lồ như thế thì các bạn là chính là chủ nhân của ngành Du lịch trong tương lai”, ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.
Bên cạnh thái độ, kiến thức, kỹ năng sẽ tạo nên năng lực làm việc trong ngành Du lịch, ông Vũ Quốc Trí cho rằng sinh viên cần cập nhật những xu hướng mới trong ngành Du lịch, tiếp cận với khái niệm du lịch thông minh để chúng ta có thể bứt phá nhanh thông qua việc này để đuổi kịp các nước hàng đầu trong lĩnh vực du lịch.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Hoàng Thúy Hồng (Phụ trách nhân sự - Khách sạn Crowne Plaza) cho biết, hiện nay cơ hội nghề nghiệp làm việc trong ngành Du lịch, nhiều tập đoàn lớn trong ngành Du lịch vô cùng lớn. Bà dẫn chứng, riêng tập đoàn IHG hiện nay ở Hà Nội đã có 3 khách sạn 5 sao, trong thời gian tới sẽ phát triển lên 5 -7 khách sạn 5 sao ở Việt Nam. Vì vậy, để có thể trở thành những người lao động trong ngành Du lịch, theo bà Hồng, ngoài kiến thức học ở nhà trường thì các bạn sinh viên còn phải rèn luyện kỹ năng, có thái độ tích cực để sẵn sàng làm việc, chấp nhận thử thách.
Cùng chia sẻ hành trang với tân sinh viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch Transviet cho rằng, các bạn trẻ cũng cần rèn luyện sự bền bỉ để có thể đáp ứng yêu cầu công việc vừa phải giữa thái độ tươi cười, hòa nhã, làm thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
Nguyễn Hương
Gửi bình luận