“SỢ BÁO HƠN SỢ HỔ”
Anh là doanh nhân, còn trẻ; làm ăn trong thời buổi này chưa thể lên tới chức “đại gia” nhưng cũng là khuôn mặt sáng giá, được bạn bè kính nể. Lúc nào cũng đĩnh đạc, đàng hoàng, mặt tươi như hoa; xem ra đang lên như diều gặp gió, trong lòng không có gợn điều gì lo lắng. Thấy tôi có nhận xét thế, có anh bạn nhiều kinh nghiệm nói: “Không phải đâu. Đấy là bản lĩnh doanh nhân, ngày mai có phá sản thì hôm nay vẫn phải đàng hoàng; còn như chúng mình, cái lo hiện ra mặt thì chưa đến lúc phá sản cũng phá sản; vì người ta đến giao dịch với anh phải xem bộ mặt anh thế nào đã chứ!”. Tôi ít hiểu biết về lĩnh vực này, cho nên nghe thế cũng ậm ừ cho qua chuyện.
Nhưng anh lại là người quen, là bạn nhỏ tuổi, có thể tâm sự. Có hôm anh nói với tôi: “Bác tưởng thế thôi, chứ trong lòng em lúc nào cũng lo, có lúc ngồi vào mâm cơm với vợ con mà đầu óc cứ ở đâu đâu”. Theo anh nói thì làm cái nghề này phải mạo hiểm mới mong thành đạt. Mạo hiểm không phải là liều lĩnh, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, lắm rủi ro. Đồng tiền lên xuống giá là lôi thôi, là gặp rủi ro. Giá đất lên xuống là lôi thôi, gặp rủi ro. Hàng hóa không bán chạy là giam tiền, rất lôi thôi. Rồi tính toán hợp đồng giao hàng, nợ lãi ngân hàng, nợ lãi bạn bè đến hạn… bao nhiêu thứ phải tính. Tính sai một nước, có khi mất mấy chục vạn trong một buổi chiều; mà vạn đây là “vạn đôla”. Cả ngàn vạn thứ rủi ro phải tính, mà ai tính cho xuể; thôi thì phải lấy cái được này mà bù cho cái kia mất. Bây giờ lại còn phải tính cái rủi ro từ báo chí nữa chứ.
- Sao, cậu nói rủi ro từ báo chí là thế nào?
- Chúng em làm ăn thì điều quan trọng nhất là chữ tín. Tín nhiệm với khách hàng, tín nhiệm với bạn hàng, tín nhiệm với ngân hàng. Ba thứ “hàng” ấy mà “bất tín” thì sập tiệm. Thế mà cái ông báo chí đưa tin, viết bài sai, là một lúc chúng em mất cả ba thứ. Khách hàng nghi ngờ, không mua hàng; bạn hàng nghi ngại, không giao dịch, hoãn hợp đồng; ngân hàng nghi ngờ, không cho vay… thế thì chết ngay tức thì còn gì. Làm ra chữ tín phải vài năm, để mất chữ tín chỉ trong một giờ. Đấy bác xem, em nói có đúng không?
- Nhưng chữ tín, trước hết từ các ông chứ, từ hàng hóa, từ giao dịch, từ thực hiện đúng hợp đồng, đóng thuế sòng phẳng chứ!
- Vâng, đây là tôi nói sự oan ức, từ sự bất cẩn, vội vàng của các nhà báo.
Tôi không nói gì thêm được nữa, để có thời giờ mà ngẫm nghĩ về cái nghề của mình. Vì tôi có nghe một câu họ thường nói: “Sợ báo hơn sợ hổ”. Báo ở đây là nhà báo, chứ không phải con báo trong rừng xanh hoang dã.
Ngày 25/11/2001
(*)Bài báo trích trong tập sách “Chạy” của Cố nhà báo Hữu Thọ.
Gửi bình luận