Quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
Điều 9 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định “quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm:
1. Người tiêu dùng thực phẩm có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
…”
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999 thì người nào có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
An toàn thực phẩm- mối quan tâm của toàn xã hội- ảnh: internet
Đáng lưu ý là Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực vào 1/1/2018 đã có những quy định cụ thể hơn về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nâng mức phạt tù lên đến 20 năm, quy định thêm hình phạt chính là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, nâng mức phạt tiền bổ sung từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng nhằm chống lại nạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn (Điều 317).
Về bồi thường dân sự, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì buộc phải bồi thường theo quy định tại các Điều 584 và 585 Bộ luật Dân sự 2015.
An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng nhất của chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp cần hướng tới việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đầu tiên là đảm bảo tính an toàn của thực phẩm. Hướng tới mục tiêu đưa thực phẩm Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị thực phẩm của khu vực và thế giới. Việc nâng cao chất lượng thực phẩm là một trong những điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp kinh doanh ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có thể cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài…
Luật sư Lê Anh Trung
Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung – Email: vplsleanhtrung.q1@gmail.com
Gửi bình luận