Quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018 đang gần cận kề. Nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng lên… Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải cẩn trọng lựa chọn lương thực, thực phẩm sạch. Thời gian qua, không ít những doanh nghiệp lợi dụng thời điểm này tìm cách kiếm lời bất chấp hậu quả.
Kiểm tra an toàn thực phẩm-ảnh tư liệu minh họa
Thực trạng, đã có doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không đảm bảo an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm rồi tuồn ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng hay những sản phẩm chưa qua kiểm định hoặc đã qua kiểm định nhưng không đạt yêu cầu… Theo quy định Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì đây là những hành vi bị cấm.
Căn cứ Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định “xử lý vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
…
3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
…”
Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm:
“Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền…”.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…
Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm…(Còn nữa)
Luật sư Lê Anh Trung
Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung
Email: vplsleanhtrung.q1@gmail.com
Gửi bình luận