Quý Châu-Trùng Khánh đường xa, Kỳ 1
Kỳ 1: Du lịch xứ người, nhìn từ điểm sáng mới nổi
Chuyến bay đêm hơn 2 tiếng đồng hồ của hãng hàng không CZ đã đưa chúng tôi đến Trùng Khánh, một trong 4 thành phố lớn, trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Ngày hôm sau, chúng tôi chưa vội tham quan Trùng Khánh để đi ngay Quý Châu…
Chuyến famtrip của chúng tôi lần này ngoài một số nhà báo còn có rất đông đại diện các công ty lữ hành: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Redtour… Câu chuyện sôi nổi trên xe của các doanh nghiệp du lịch đã cho chúng tôi thêm thông tin về thị trường outbound đưa khách Việt Nam đi Trung Quốc. Sau một thời gian bị thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan có phần lấn lướt, từ cuối năm 2017, thị trường Trung Quốc đã có bước tăng trưởng mạnh trở lại. Sức hấp dẫn từ các điểm đến Trung Quốc với nhiều di sản, thắng cảnh phong phú, cũng như cách làm du lịch chuyên nghiệp là những lý do thị trường này thu hút khách Việt Nam. Lâu nay các tour truyền thống của khách Việt Nam đến Trung Quốc thường là Bắc Kinh, Thượng Hải, Cửu Trại câu, Thành Đô, Trương Gia Giới… thì nay các doanh nghiệp khai thác thêm tour mới trong đó có Xích Thủy, một điểm sáng mới nổi về du lịch.
Từ Trùng Khánh đến Xích Thủy, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Quý Châu, non 200km. Chúng tôi dùng cơm trưa tại một nhà hàng trung tâm Xích Thủy. Các món ăn Trung Quốc được thông báo trước là dùng nhiều dầu mỡ, khác với ẩm thực Việt. Bởi thế, một vài thành viên trong đoàn đã “thủ” thêm vừng, ruốc và nước mắm Nam Ngư cho đỡ nhớ hương vị quê nhà. Sau khi “nạp” năng lượng, chúng tôi đến thăm thác Xích Thủy, cách thành phố cùng tên chừng 40km.
Đường vào thắng cảnh Xích Thủy non xanh hữu tình, suối chảy róc rách, khá thơ mộng. Chúng tôi đi thang máy được thiết kế xuyên núi theo đường sâu ( thẳng đứng) 116m (tương đương tòa nhà 38 tầng) để chiêm quan thác từ dưới lên.
Từ xa, đã nghe tiếng thác chảy ầm ào, quả không sai khi Xích Thủy được người xưa ví von rất hình ảnh “như ngàn người gõ trống, vạn mã đang phi, như sấm vang chớp giật, rung động cả sơn cốc”. “Xích Thủy” có nghĩa là nước đỏ, bởi nơi đây đất đá đều mang màu đỏ tạo nên màu sắc huyền ảo cho thác Đan Hà lớn nhất Trung Quốc.
Thác Xích Thủy cao tới 76m, rộng 80m, nằm giữa 2 ngọn núi, được người địa phương ví như chiếc rèm bạc trân châu
Quả thực, đứng trước thác Xích Thủy chúng tôi không khỏi rợn ngợp: thác cao tới 76m, rộng 80m, nằm giữa 2 ngọn núi, được người địa phương ví như chiếc rèm bạc trân châu. Nắng chói chang ấy vậy mà khi đến gần thác, người chúng tôi ướt sũng. “Mưa rào”, ai đó thốt lên. “Không phải đâu, là do nước từ thác đấy”, một người dân địa phương giải thích. Hóa ra, bọt nước thác chảy theo phương thẳng đứng với vận tốc cực lớn rồi tóe ra muôn vàn những giọt nước li ti đã tạo ra những vạt mưa rừng độc đáo. Bán kính của “trận mưa” tới 200m. Chả cứ máy ảnh, điện thoại di động, người chúng tôi ướt mèm từ đầu đến chân. Thế nhưng ai cũng “đội mưa” tranh thủ chụp ảnh để thu lại những cảnh sắc tuyệt vời. “Ôi cầu vồng kìa”, tiếng một ai đó thốt lên. Một cảnh đẹp kỳ thú: nắng chiếu xiên làm thành cầu vồng tuyệt đẹp, khiến cảnh quan thác càng lung linh, cuốn hút khách đường xa. Khi trở ra cổng, chúng tôi còn được giới thiệu xem clip thác Xích Thủy quay từ trên cao bằng kính ngắm 3D với giá 20 tệ, cũng khá thú vị.
Đoàn famtrip chụp ảnh lưu niệm tại thác Xích Thủy
Được biết, trung bình hằng năm có tới 1,4 triệu lượt du khách tới thăm thác Xích Thủy. Với mức vé tham quan và phí di chuyển hơn 100 tệ (hơn 360 nghìn đồng tiền Việt), thì thấy danh thắng này đã mang lại một nguồn thu không nhỏ cho Xích Thủy. Viết đến đây, tôi lại liên tưởng tới câu chuyện khai thác du lịch ở thác Bản Giốc ở Việt Nam, một điểm đến kỳ thú và độc đáo của tỉnh Cao Bằng. Mặc dù cảnh sắc khá đẹp nhưng sự đầu tư khai thác ở thác Bản Giốc vẫn còn khiêm tốn nên thu hút lượng khách chưa đạt như kỳ vọng. Lấy ví dụ như việc đầu tư bài bản về: hạ tầng giao thông, các hệ thống hàng quán, dịch vụ, điểm ngắm cảnh… vẫn còn là khoảng cách mà chúng ta cần học hỏi cách làm của nước bạn.
Một điểm đến tương tự cho thấy Xích Thủy nước bạn đang thu hút du khách mạnh mẽ là Tứ động câu. “Động” ở đây không có nghĩa là hang động mà là tháctheo khẩu ngữ của người dân địa phương. Cũng như các điểm đến khác, khi vào Tứ động câu, du khách phải dừng xe ở phía ngoài, (không như ở ta hầu hết là xe ô tô di chuyển tới sát thắng cảnh). Du khách sẽ di chuyển tiếp bằng xe điện vào trong danh thắng, dĩ nhiên là khách phải trả tiền vận chuyển này, giá 15 tệ. Việc di chuyển như vậy sẽ bảo đảm an toàn giao thông trong khu danh thắng, đồng thời giúp ban quản lý có kinh phí tu bổ hạ tầng. Hôm chúng tôi đến đúng dịp Tết thanh minh, là khoảng thời gian người Trung Quốc được nghỉ phép nên khá đông khách đến thăm Tứ động câu. Cảnh quan, môi trường danh thắng xanh sạch, đường lên các thác được xây dựng khá tỉ mỉ, đều có lan can bảo vệ. Trong 4 thác thì thác Thủy Liêm động ấn tượng với du khách nhất. Quy mô nhỏ hơn so với thác Xích Thủy nhưng điểm đặc biệt là du khách có thể tham quan thác này tứ phía, cả từ phía trong núi. Lối đi xuyên núi như 1 hang lộ thiên mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Một bên là hang núi, một bên là thác chảy tuôn trào trước mặt, khiến tôi liên tưởng tới lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ / Tỉnh ra có khi còn nghe…”.
Thác Thủy Liêm động (Tứ động câu)
Toàn cảnh Thủy Liêm động
Và độc đáo nữa là khi du khách được chiêm quan Phật Quang Nham, (nằm trong di sản thiên nhiên thế giới địa mạo Đan Hà của Trung Quốc), nằm gần Tứ động câu. Người Trung Quốc cho rằng thắng cảnh này hội tụ 6 yếu tố: tân (mới), kỳ (thần kỳ), hiểm (hiểm trở), tú (đẹp), u (yên tĩnh), dã (hoang dã). Đi bộ gần 1km qua những con đường ngoằn ngoèo với những vách đá lớn, du khách tới gần đỉnh núi nơi có một tượng đá Đan Hà cao 360m, hình vòng cung dài hơn 1000m, và ở độ cao 261m là dòng thác bay xuống như dải lụa mềm in trên nền vách đá hồng nhuận hùng vĩ. Một khoảng rộng thiết kế hình đài sen để du khách dễ dàng chiêm quan và chụp ảnh. Cùng với Ngũ Trụ Phong, Phật Quang Nham cùng tạo nên 5 cột chống trời, như 5 ngón tay của Phật Tổ Như Lai đan xen vào nhau giữa cõi nhân gian.
Phật Quang Nham
Xích Thủy còn cuốn hút du khách với nét truyền thống của cổ trấn Bình An, cách thành phố Xích Thủy chừng 22km. Đây là một làng cổ vốn được xây dựng từ thời Nam Tống, có gần 1000 năm lịch sử. Điểm độc đáo là cổ trấn Bình An nằm trên một hòn đá Đan Hà lớn bên dòng sông Xích Thủy. Trong lịch sử, Bình An vốn là một thị trấn quan trọng trong con đường buôn muối. Lối vào Bình An hôm nay là một cầu dây văng nhỏ, giúp du khách thu vào tầm mắt cảnh sắc miền quê yên ả. Những ngôi nhà cổ nép mình dọc theo bò sông. Đủ các đồ lưu niệm, vật phẩm, ẩm thực, hàng nông sản… bản địa được bày bán. Một di tích sống theo đúng nghĩa: người dân sinh sống, sinh hoạt, bảo tồn phong tục và kiến trúc nhà cổ.
Cổ trấn Bình An nằm trên một hòn đá Đan Hà lớn bên dòng sông Xích Thủy
Cổ trấn Bình An
Bà Vương Trị Lực, Giám đốc Công ty Lữ hành Nga My Sơn (Trung Quốc) cho biết: Trung Quốc hiện có 13 địa phương (cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh) là điểm sáng về phát triển du lịch, tạo nguồn thu lớn từ du lịch. Xích Thủy đang học tập kinh nghiệm các địa phương đi trước để du lịch bứt phá.
Bài và ảnh: Minh Quang
Gửi bình luận