Quý Châu - Trùng Khánh đường xa, kỳ cuối
Kỳ cuối: Trùng Khánh và những cái nhất…
Trùng Khánh có nghĩa là hạnh phúc nhân đôi. “Đất lành chim đậu”, quả như tên gọi, Trùng Khánh có tới 32 triệu dân, là thành phố đông dân nhất Trung Quốc, nằm ở phía Tây Nam nước này.
Trong lịch sử, cùng với Thượng Hải, Trùng Khánh là một trong hai thành phố phát triển nhất Trung Quốc những năm 40 của thế kỷ trước. Trùng Khánh vốn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, xa xưa thời Tam quốc là đất Ba Thục của Lưu Bị. Cách trung tâm Trùng Khánh không xa vẫn còn thành Bạch Đế, nơi Lưu Bị lui về cuối đời và miếu thờ Trương Phi ở khu vực đập Tam Hiệp, thuộc TP Nghi Xương. Trùng Khánh được tách ra khỏi tỉnh Tứ Xuyên từ năm 1997 và đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục, trong đó có công nghiệp sản xuất xe hơi.
Trùng Khánh về đêm
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi với Trùng Khánh là những ngôi nhà hiện đại cao, thấp khác nhau nối nhau trùng trùng tọa lạc bên sông, trên đồi núi, nhà cửa thì nhiều bậc thềm vô kể. Có khi bạn đứng tầng trên cùng của tòa nhà này nhưng thực ra lại là tầng hầm của ngôi nhà khác, vì nhà ở đây chồng lên nhau theo địa hình sườn núi. Giao thông ở Trùng Khánh thì mê hồn trận, nếu không có thổ dân ở đây dẫn đường, chắc nhiều người nơi khác đến không đủ dũng khí để lái ô tô. Đường sá ngoằn ngoèo, nhiều tầng nấc, nhiều đường trên cao, đường hầm và lối ra- là một thử thách lớn nếu chẳng may du khách bị lạc lối và vì thế người ta cũng nói không ngoa rằng google maps ở đây cũng chẳng giúp ích gì cho bạn. Trùng Khánh có nhiều cây cầu ở trung tâm bắc qua sông Trường Giang, là thành phố có nhiều cầu nhất Trung Quốc với 24 cây cầu; còn nếu tính cả vùng ngoại ô thì toàn thành phố có tới 4000 cây cầu. Một điểm ấn tượng nữa đó là những con tàu xuyên núi, xuyên qua các tòa nhà, có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Trùng Khánh là một thành phố miền núi nên đã tận dụng hết công nghệ để xây nhà, làm cầu, thiết kế, hạ tầng giao thông đi lại. Ở trung tâm và nhiều nhất là ở ngoại ô, nhiều công trình nhà cửa đang được hối hả xây dựng. Và một điểm đặc biệt nữa: Trùng Khánh cũng là thành phố có nhiều sương mù bậc nhất thế giới, người ta ước tính rằng, Trùng Khánh có tới 104 ngày sương mù trong một năm, từ mùa Thu đến mùa Xuân .
Hồng Nhai động
Trung Khánh quả là có nhiều điều để khám phá. Trong đó, ngắm cảnh thành phố dọc bờ Trường Giang, con sông lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 3 thế giới, là một điểm du khách không nên bỏ qua. Du khách có thể tản bộ lúc chiều dọc sông hoặc ngắm sông trên cáp treo dài 1,2km. Và đặc biệt là đi thuyền ngắm cảnh sắc Trường Giang buổi tối. Với giá vé 158 tệ/ người (tương đương gần 570 nghìn đồng), trong thời gian gần 1 tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi đã thả sức ngắm Trùng Khánh với nhiều tòa nhà cao tầng, nhà kiến trúc cổ, cầu dây văng lung linh sắc màu của những ánh đèn LED. Tàu được thiết kế 3 tầng rộng rãi. Tầng 2 dành cho khách VIP (thu thêm 200 tệ). Tầng trên cùng một nửa là nơi ngắm cảnh kết hợp dịch vụ giải khát.
Bên cây cầu dây văng hiện đại, đoàn chúng tôi ghé thăm Hồng Nhai động, một công trình được thiết kế theo kiến trúc cổ, 11 tầng. Có thể gọi đây là một trung tâm thương mại thu nhỏ với nhiều hàng hóa tiêu dùng, đồ lưu niệm. Đáng chú ý với du khách là nhiều cửa hàng ẩm thực, tơ lụa, biểu diễn ẩm thực trà… khá đặc sắc. Người ta cũng đặt một cụm tượng đồng với những hình ảnh sinh hoạt gia đình ngộ nghĩnh, và tượng những nhân vật trong trang phục truyền thống Trung Hoa. Khá nhiều du khách đã tạo dáng, chụp ảnh bên những bức tượng này. Về đêm, Hồng Nhai động rực rỡ ánh đèn vàng, góp thêm phần cảnh sắc sống động bên dòng Trường Giang.
Giới thiệu ẩm thực trà tại Hồng Nhai động
Chúng tôi cũng ghé phố đi bộ Giải Phóng, quy mô không thua kém Thượng Hải với nhiều mặt hàng, trong đó có các thương hiệu thời trang nổi tiếng. Ở các siêu thị này, du khách có thể yên tâm về chất lượng và không phải băn khoăn mặc cả. Trà, đồ tơ lụa, hương vị làm lẩu Tứ Xuyên… là những món quà trong túi đồ của chúng tôi. Mỏi chân sau vài tiếng đi bộ, chúng tôi tạt vào một quán mỳ ở phố đi bộ, ngay lối lên xuống của một siêu thị (tầng âm). Cũng giống như nhiều hàng quán ở ta: khách ngồi ghế nhựa, mỗi người một bát mỳ, khi ăn đảo đều để có hương vị mặn cay của xì dầu, với giá chỉ 10 tệ. Đặc biệt, Trùng Khánh còn để lại ấn tượng cho chúng tôi về món lẩu Tứ Xuyên mà du khách dễ dàng tìm thấy ở nhiều tuyến phố với đặc trưng ớt cay tê đầu lưỡi cùng nhiều hương vị, nguyên liệu thảo mộc thơm ngon. Một điều làm tôi bất ngờ: Dù Trùng Khánh là thành phố hiện đại nhưng cũng có những gánh hàng rong vỉa hè bày bán hoa quả như Hà Nội. Trước giờ ra sân bay, một vài người trong đoàn chúng tôi tranh thủ mua những trái nho, sơ- ri… làm quà.
Phố đi bộ bia Giải Phóng
Hai ngày ở Trùng Khánh quả mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa có dịp tham quan hết những thắng cảnh nổi tiếng. Nhưng chúng tôi cũng đủ cảm nhận được một điều: Ngành Du lịch Trùng Khánh đã biết tận dụng khai thác triệt để những lợi thế sẵn có về danh lam thắng cảnh để thu hút du khách, đồng thời nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Có thể kể đến phim trường Lưỡng Giang, nơi tái hiện bối cảnh Trùng Khánh những năm 40 của thế kỷ trước, những năm Trùng Khánh là trung tâm kháng chiến chống Nhật gắn với giai đoạn hoạt động của Tưởng Giới Thạch. Từng căn nhà, góc phố, rạp hát chiếu bóng được phục dựng với tỷ lệ 1/1. Vừa tạo dựng nguồn thu điện ảnh, vừa tạo nguồn thu cho du lịch, là cách làm đáng để chúng ta học hỏi.
Du khách có thể đến Trùng Khánh bằng đường bay thẳng của hàng không CZ với hai đầu khởi hành từ TP.HCM, Hà Nội thông qua tour của Vietravel (tại TP.HCM:Tel: (028) 3822 8898 - Hotline: 1900 1839; tại Hà Nội: Tel: (024) 39331978, máy lẻ: 195 (Ms Minh Hòa) |
Bài và ảnh: Minh Quang
Gửi bình luận