Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy ba khu di tích lịch sử và danh thắng quan trọng
Yên Tử: trung tâm du lịch văn hoá, lịch sử cấp quốc gia đặc biệt
Khu Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử gồm nhiều công trình chùa, am, tháptrải dài theo tuyến đường từ chân Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng).
Thời Lý, khu vực núi Yên Tử đã có chùa thờ Phật. Đến thời Trần, Yên Tử nổi danh là “phúc địa” gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hoàng đế anh minh Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi (1285 và 1288), ông đã trao lại ngai vàng để vào Yên Tử tu hành, sáng lập ra giáo phái Phật giáo riêng của Việt Nam - phái Thiền Trúc Lâm, xây dựng nơi đây thành Kinh đô Phật giáo của nước Đại Việt. Sang thời Lê, Nguyễn, Yên Tử vẫn được vua quan các triều đại phong kiến quan tâm tôn tạo, sửa chữa.
Hơn 700 năm qua, pháp phái Thiền Trúc Lâm đã lan tỏa mạnh và phát triển rộng tới nhiều vùng miền của cả nước, đang được các thế hệ Thiền sư nối tiếp kế thừa, phát triển và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Yên Tử còn được xem như một bảo tàng sinh thái tự nhiên, với sự đa dạng về hệ sinh thái cảnh quan cùng với hệ thống chùa, am, tháp, đường tùng, rừng thông, trúc, mai và cảnh đẹp của núi rừng nơi đây, từ xa xưa Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn đất Việt. Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến đây chiêm bái lễ Phật.
Ngày 13/3/1974, Bộ Văn hóa, Thông tin có Quyết định số 15VH/QĐ xếp hạng Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di tích quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 24/5/1997, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 1657/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng Yên Tử với tổng diện tích 2.686,5 ha. Sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều hạng mục công trình lớn đã được đầu tư bảo tồn tôn tạo. Tuy nhiên, còn nhiều điểm phế tích, am thất, cảnh quan xung quanh chưa được đầu tư nên đã làm ảnh hưởng tới giá trị của Khu di tích.
Thực hiện Quyết định số 5004/QĐ-UBND, ngày 31/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Nhiệm vụ Thiết kế Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Ban Quản lý các di tích trọng điểm đã trực tiếp triển khai, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tư vấn và bám sát các cơ quan ban ngành của tỉnh, Trung ương hoàn chỉnh Quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt.
Ngày 18/02/2013, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng Yên Tử thành trung tâm Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; là trung tâm du lịch văn hoá, lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; điểm du lịch quan trọng trên tuyến Hà Nội - Hạ Long.
Phạm vi Quy hoạch: 9.295 ha. Phía Bắc giáp khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Phía Nam giáp phường Phương Đông, thành phố Uông Bí. Phía Tây giáp xã Hồng Thái Đông và xã Tràng Lương, huyện Đông Triều. Phía Đông giáp khu vực than Thùng, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, được phân thành hai vùng chính:
Vùng bảo vệ di tích (vùng bảo vệ đặc biệt), gồm có:
Khu vực bảo vệ I: 213,5 ha, có các điểm di tích: Chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, vườn Tháp, khu tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, am Thiền Định, chùa Một Mái, khu Mộ Tháp, am Lò Rèn, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, chùa Đồng, đường hành hương, am Diêm, am Dược, am Hoa, am Ngọa Vân, thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử, các am, thất chưa được phát lộ, khu vực chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm).
Khu vực bảo vệ II: 708,0 ha: gồm tuyến đường hành hương nối vào các điểm di tích, vùng rừng tự nhiên xung quanh di tích.
Vùng bảo vệ riêng biệt: 1.825,5 ha, gồm vùng cảnh quan xung quanh cácđiểm di tích, các khu vực ven tuyến đường từ Dốc Đỏ (phường Phương Đông), bến xe Giải Oan, thôn Năm Mẫu, khe Sú (xã Thượng Yên Công).
Vùng bảo vệ cảnh quan (vùng đệm): 6.548 ha, gồm toàn bộ khu vực rừng đặc dụng Yên Tử bao quanh các điểm di tích (còn lại) và các khu vực cảnh quan có liên quan, có sự kết nối với Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2013-2025 ; tổng vốn đầu tư thực hiện trên 1.793 tỷ đồng.
Bạch Đằng: Mở rộng khu vực bảo vệ I
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, bên tả ngạn sông Bạch Đằng, thuộc thị xã Quảng Yên đã phát hiện và khai quật được ba bãi cọc gỗ với phạm vi lớn gồm: bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa.
Các nhà khoa học khẳng định cả ba bãi cọc trên đều có khung niên đại thế kỷ XIII, do Trần Quốc Tuấn chỉ huy cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, đánh tan quân giặc Nguyên Mông năm 1288. Cho đến thời điểm này chưa phát hiện được bãi cọc nào có niên đại sớm hơn.
Sông Bạch Đằng và các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa đã trở thành tên địa danh lịch sử, gắn với anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nhân dân nhiều đời trên vùng đất Quảng Yên và Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tôn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm Thành Hoàng làng. Lập đình, đền, miếu thờ Ngài và thờ những cận thần đã giúp Ngài trong trận chiến thắng đó, tạo thành một quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng.
Các điểm di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia trong nhiều năm, từ 1988 đến 2012.
Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 18/02/2013, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số số 322/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy.
Quy mô Quy hoạch tổng thể là 380 ha, bao gồm 11 điểm di tích đình, đền, miếu, bãi cọc… và khu vực bảo vệ, dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích bao quanh. Trong đó:
Khu vực bảo vệ I: 79,47 ha. Đối với di tích: Bảo tồn giá trị nguyên gốc của di tích, tu bổ phần công trình bị hư hỏng. Phục hồi trên cơ sở đầy đủ cứ liệu khoa học. Đối với di chỉ khảo cổ học: Mở rộng khu vực bảo vệ I đối với các điểm di tích khảo cổ hiện nay, khoanh vùng, cắm mốc giới để bảo tồn tại chỗ di chỉ khảo cổ học. Trưng bày bằng các phương pháp hiện đại nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giới thiệu đến khách thăm quan.
Khu vực bảo vệ II: 114,78 ha. Đối với các công trình tín ngưỡng tôn giáo, có thể xây dựng một số công trình có quy mô nhỏ, không lấn át cảnh quan di tích, phục vụ việc phát huy giá trị di tích. Đối với các khu vực có dấu hiệu khảo cổ tập trung trong các khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, sú vẹt cần được bảo vệ nguyên trạng, nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sang đất xây dựng để phục vụ việc khai quật khảo cổ, làm rõ vị trí, quy mô của trận địa Bạch Đằng lịch sử.
Khu vực phục vụ dịch vụ - hỗ trợ phát huy giá trị di tích: 167,75 ha, gồm: Khu công viên khảo cổ; khu công trình công cộng; khu văn hóa lễ hội; các công trình đầu mối kỹ thuật; khu vực cây xanh, bảo vệ cảnh quan.
Thời gian thực hiện Quy hoạch tổng thể từ năm 2012-2025; tổng vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch: trên 811 tỷ đồng.
Đông Triều: bảo tồn 14 cụm di tích Nhà Trần
Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc Nhà Trần, sau chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương ở đó. Do vậy, sau này, Nhà Trần đã chọn vùng đất quê gốc để xây dựng lăng mộ cho 11 vị Tiên đế, như: Lăng Tư Phúc (thờ thần vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Phế Đế), Đồng Thái Lăng (an táng vua Trần Anh Tông và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu), Mục Lăng (an táng vua Trần Minh Tông), Ngải Sơn Lăng (an táng vua Trần Hiến Tông), Phụ Sơn Lăng (an táng vua Trần Dụ Tông), Nguyên Lăng (an táng vua Trần Nghệ Tông), Đồng Hỷ Lăng (an táng vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông) cùng nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo linh thiêng khác, như: Điện An Sinh (Đền Sinh), Đền Thái (Thái miếu của nhà Trần), am - chùa Ngọa Vân, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Mỹ Cụ, Non Đông, Trung Tiết...
Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa, Thông tin có Quyết định số 313VH/QĐ xếp hạng Đền và Lăng mộ các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Ngày 07/02/2013, Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 307/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy.
Đối tượng nghiên cứu của Quy hoạch bao gồm các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường.
Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch là 11.095 ha, bao gồm địa bàn các xã An Sinh, Tràng An, Thủy An và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Quy mô Quy hoạch tổng thể là 2.206 ha bao gồm 14 cụm di tích Nhà Trần và khu vực bảo vệ, dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích bao quanh, được chia làm 3 khu vực với các chức năng sau. Trong đó, khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích: 1.914,66ha. Xây dựng hệ thống giao thông kết hợp quảng trường và công trình dịch vụ văn hóa, tham quan, nghỉ ngơi… Đồng thời trồng cây xanh tạo cảnh quan để bổ trợ, kết nối với khu vực bảo vệ II của di tích và bảo vệ môi trường di tích. Khu vực này ưu tiên phát triển công trình dịch vụ du lịch, đất tái định cư, được phép xây dựng mới nhưng có kiểm soát về màu sắc, tầng cao và mật dộ xây dựng. Tổng vồn đầu tư thực hiện quy hoạch 1.397 tỷ đồng, từ năm 2012-2025.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các Khu di tích lịch sử Yên Tử, Đông Triều và Bạch Đằng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt và quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Gửi bình luận