Quà tặng từ than đá
Độc đáo
Anh Nguyễn Tuấn Quyết - Chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ than đá, tổ 3, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long kể:
“Nghề làm sản phẩm thủ công từ than đá ở Quảng Ninh có từ đầu thế kỷ XX khi người Pháp khai thác các mỏ than ở nơi đây.Ngay sau đó, Pháp đã có mở một xưởng chuyên chế tác tranh mỹ nghệ từ than đá phục vụ nhu cầu của họ.Từ thời Pháp, ông nội tôi - Nguyễn Đức Thuận là một trong số những người đầu tiên làm đồ mỹ nghệ từ than đá.Sau này, bố tôi là Nguyễn Tuấn Lợi tiếp tục nghề này, đến tôi là đời thứ 3 làm nghề này đã trên 25 năm”. Từ những hòn than đá xù xì, tưởng như vô tri, vô giác, nhưng qua đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người thợ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo: Những con thuyền với cánh buồm căng gió, những bông hoa hồng biểu tượng của tình yêu, các con giống, những con sư tử dũng mãnh tượng trưng cho sự kiên cường…
Anh Quyết cho biết: Để có được một tác phẩm nghệ thuật từ than đá, đòi hỏi quá trình sáng tạo của người thợ mà chủ yếu làm bằng thủ công. Đầu tiên là khâu chọn than, phải biết chọn than đẹp, cứng, chắc, bóng, không có xít, không bị nứt nẻ, chủ yếu ở mỏ than Đèo Nai và Cao Sơn. Khi có nguyên liệu, từ ý tưởng ban đầu, người thợ dùng cưa tay cưa các khối than cho phù hợp với kích cỡ định làm, rồi phác thảo lên hòn than đã cưa. Sau đó, người thợ tiến hành phá thô, đục chạm, gọt đẽo bằng tay tinh xảo rồi đánh ráp, đánh nước và đánh bóng sản phẩm bằng máy, ở mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ luôn phải sáng tạo, tỉ mỉ và kiên trì. Bởi vì, than đá thường rất giòn, mạnh tay một chút sẽ khiến hòn than bị vỡ và mất hình khối. Chính vì thế, khi tạo sản phẩm, người thợ phải biết chọn dao gọt cho phù hợp.
Do việc sáng tạo tác phẩm không có một khuôn mẫu nhất định mà tùy thuộc vào sự sáng tạo của người thợ nên ít có những mẫu hoàn toàn giống nhau, đây cũng chính là nét riêng của sản phẩm mỹ nghệ than đá, tạo nên sự hấp dẫn của sản phẩm đối với du khách. Qua đó, cũng thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ, người và cơ sở tạo nên sản phẩm.
Đến với các cơ sở sản xuất hay tới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ từ than đá như: An Bình, Toàn Ny, Phương Chính, Bà Bình, Tuyết Hoa, Đức Cộng..., khách có thể chọn lựa, mua cho mình, người thân, tặng bạn bè những sản phẩm độc đáo làm từ than đá như: 12 con giống, hòn gà chọi, cá heo, hang luồn, thuyền buồm, tranh Hạ Long bé, hoa hồng đơn...
Nguy cơ mai một
Vào những năm 1990 là thời kỳ thịnh vượng, Quảng Ninh có cả một làng nghề chế tác mỹ nghệ than đá thuộc Công ty Mỹ thuật - Mỹ nghệ Quảng Ninh, mỗi năm cho ra thị trường hàng vạn sản phẩm các loại. Nhưng sau khi công ty này giải thể, thợ thủ công chuyển ra tự phát, số lượng thợ trụ lại với nghề theo thời gian cũng bị mai một, xuống con số trên 20 hộ vào năm 2003 và đến nay chỉ còn vài hộ tiếp tục sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ than đá. Trong khi tỉnh Quảng Ninh đang kêu gọi đầu tư, đưa những sản phẩm du lịch lịch mới vào để cùng xây dựng và phát triển thì ngay tại Quảng Ninh, có sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo làm từ than đá, không ở đâu có thì lại đang có nguy cơ mai một và mất dần.
Trao đổi cùng anh Nguyễn Tuấn Quyết được biết: Hiện nay, công việc này thu nhập không cao. Trước đây làm hàng mỹ nghệ than đá còn suôn sẻ, cuộc sống tạm đủ.Nhưng bây giờ nguồn nguyên liệu khan hiếm, phải chọn lựa mua nguyên liệu than trôi nổi, giá thành cao, các mỏ có nguyên liệu không bán cho cá nhân mua với số lượng ít.Vì thế, để có nguyên liệu tiếp tục làm nghề, gia đình anh đã phải huy động những người nhặt than rơi tại các mỏ tìm nguyên liệu cho mình, khi đủ khối lượng mới vận chuyển về. Trong khi đó, giá thành sản phẩm thì tăng chẳng đáng là bao, sản phẩm từ người thợ chế tác phải qua tay trung gian. Chính điều này đã làm cho giá sản phẩm đến tay người mua quá cao, khiến cho người làm thì khó trụ, còn người mua thấy giá cao cũng không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, nguồn nhân công lao động, nhất là thợ lành nghề không còn nhiều, để chọn được một người thợ làm chuyên, có kỹ thuật, phải đào tạo rất lâu, nhưng đồng lương họ lại thấp, vì thế những người thợ cũng không tâm huyết với nghề. Cứ như thế này, trong thời gian không lâu, nghề làm mỹ nghệ từ than đá, độc đáo của Quảng Ninh sẽ dần mai một và mất hẳn.
“Để bảo tồn nghề thủ công truyền thống mỹ nghệ từ than đá, rất mong sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc hỗ trợ về vay vốn mua nguyên liệu. Về lâu dài, cần có chiến lược để xây dựng sản phẩm du lịch từ những sản phẩm này”, anh Nguyễn Tuấn Quyết mong mỏi.
Bài và ảnh: Tuấn Hải
Gửi bình luận