Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình: Thị trường du lịch trực tuyến trong nước vẫn đang bị bỏ ngỏ
Sự tăng trưởng nhanh chóng trong vận chuyển du lịch hàng không những năm qua, đặc biệt là sự tham gia của các hãng hàng không giá rẻ đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng hàng không nhằm thu hút khách. Việc ứng dụng CNTT mang đến cho khách hàng sự thuận tiện trong tra cứu lịch bay, đặt, đổi, xuất vé và thanh toán trực tuyến. Báo cáo đánh giá của Euromonitor International cho thấy, tỉ lệ thanh toán vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam năm 2010 đạt khoảng 18,3%, tăng lên 22,6% năm 2016 và sẽ đạt 29% vào năm 2020.
Con số tuy có tăng trưởng, nhưng tỉ lệ rất thấp. Sự xuất hiện của Uber và Grab trong vận chuyển khách đường bộ đã kích thích và làm thay đổi nhận thức ứng dụng CNTT trong lĩnh vực vận chuyển. Euromonitor International đánh giá, trong giai đoạn 2012 – 2016, tỉ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch bằng thuyền, tàu hỏa, xe khách… tại Việt Nam đạt mức 2% - 3%; dự đoán giai đoạn 2017 – 2022 chỉ đạt mức 5%. Có thể thấy rõ đây là một mảnh đất còn nhiều tiềm năng cho các công ty khai thác dịch vụ vận chuyển trực tuyến. Đa số các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa ứng dụng thanh toán trực tuyến, mà vẫn áp dụng các biện pháp thanh toán thông thường như chuyển khoản, thanh toán bằng tiền mặt… Các công ty lữ hành đã triển khai thanh toán trực tuyến, tỉ lệ giao dịch thành công vẫn ở mức thấp. Trong khi tỉ lệ thanh toán trực tuyến đối với các sản phẩm thông thường lại tăng trưởng rất nhanh. Nguyên nhân là do các sản phẩm du lịch thường có giá trị lớn; việc đầu tư các ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng tốn kém.
Hoạt động marketing online chỉ dừng lại ở việc liệt kê sản phẩm; phần lớn website của các công ty du lịch cũng đều tương tự như vậy. Rất hiếm các website có các tương tác với khách hàng, các giao diện thân thiện với điện thoại thông minh hay các chức năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến và xác nhận tức thời; tốc độ truy cập chậm cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách hàng (trừ một số doanh nghiệp dẫn đầu về CNTT). Việc tận dụng các trang mạng xã hội như facebook, twitter, instagram, zalo chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp và chiều sâu.
Đa số các doanh nghiệp có sử dụng phần mềm gồm phần mềm hỗ trợ quản lý và phần mềm kế toán. Hiện tại trên thị trường chưa có phần mềm thực sự ưu việt có thể tích hợp được cả phần điều hành doanh nghiệp du lịch và kế toán, nên trên 50% doanh nghiệp không sử dụng hệ thống mạng nội bộ như LAN, WAN, Intranet… vì việc đầu tư vào CNTT khá tốn kém. Nhân sự CNTT thường kiêm nhiệm, doanh nghiệp vừa và nhỏ có từ 1 đến 2 người; doanh nghiệp lớn hơn có từ 5 đến 7 người; rất ít doanh nghiệp có trung tâm tin học để phát triển và ứng dụng CNTT riêng. Tuy ít, song đây là xu thế, các doanh nghiệp đầu tư trung tâm CNTT riêng thì không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, tương lai có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.
Muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp cần dành ưu tiên đầu tư cho CNTT, cả phần cứng và phần mềm. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống ứng dụng CNTT trong kinh doanh và marketing: Tăng cường nguồn nhân lực CNTT tại chỗ; tăng cường thực thi các công cụ online marketing và e-commerce để kiểm soát được spam email. Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, đảm bảo độ chính xác, tin cậy về thông tin, về sản phẩm dịch vụ; đây là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo uy tín doanh nghiệp trong kinh doanh trực tuyến. Tăng cường hơn nữa việc quản lý, khai thác hiệu quả mạng xã hội và sức mạnh của quảng cáo truyền miệng; xây dựng website thân thiện với smart phone, tăng cường tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến; số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn – Big Data.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, có 2 việc phải làm: Xây dựng chính sách và thúc đẩy ứng dụng công nghệ. Xây dựng chính sách tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến; đẩy mạnh e-marketing tầm vĩ mô; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, du khách. HHDL sẽ tiến hành khảo sát doanh nghiệp hội viên cả nước, đánh giá toàn diện hiện trạng ứng dụng CNTT từng doanh nghiệp; đề xuất giải pháp thích hợp nhằm phát triển nhanh thương mại điện tử trong ngành Du lịch; phối hợp với TCDL, Hiệp hội Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng về nghiệp vụ thương mại điện tử, tổ chức hội thảo chuyên đề về du lịch trực tuyến, sàn giao dịch điện tử cho các doanh nghiệp du lịch; tiếp tục phối hợp với Tripi.vn để hoàn thiện sàn giao dịch VITM online nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch triển khai kích cầu du lịch quanh năm. Đặc biệt, HHDL sẽ chọn chủ đề “Du lịch trực tuyến”, khuyến khích các doanh nghiệp trưng bày, ứng dụng CNTT trong kinh doanh du lịch tại VITM 2018; phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức khu vực kinh doanh du lịch trực tuyến gồm trên 40 gian hàng dành riêng cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cho du lịch; tổ chức hội thảo về phát triển thương mại điện tử trong du lịch. (hết)
Gia Khôi lược ghi
Gửi bình luận