Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Bà Rịa - Vũng Tàu
Nói tới sản phẩm du lịch đặc thù là nói tới sự độc đáo và khác biệt. Đây là sự phối kết tổng hòa giữa giá trị tài nguyên du lịch và các nguồn lực riêng có của điểm đến du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”.
Trong những năm vừa qua, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng bình quân 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm. Năm 2019, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đạt mục tiêu thu hút 3,53 triệu lượt khách lưu trú, tăng 14% so với năm 2018; tổng thu du lịch đạt 16.520 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2019, ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu còn phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi các nhà đầu tư, thương hiệu quản lý du lịch quốc tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh; tổ chức định hướng cho các doanh nghiệp du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách; tích cực đổi mới hình thức và tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu ra các thị trường trong nước và quốc tế; thử nghiệm và đưa vào hoạt động ứng dụng quảng bá du lịch trên smartphone; xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển thị trường du lịch”… Để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng tuyến đường ven biển nối Tp. Vũng Tàu với các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc dài hàng chục km. Nhờ đó nhiều nhà đầu tư đã tìm đến và đầu tư xây dựng hình thành nên hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Đến nay trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch khá hiện đại với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp mới được đưa vào hoạt động như Marina Bay, CAO, Lan Rừng Resort Phước Hải, Oceanami Long Hai Villa Beach Club… tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn du khách. Ngoài ra, khi các dự án Atlantis (Tp. Vũng Tàu) và dự án vườn thú Safari (huyện Xuyên Mộc) hoàn thiện sẽ tạo ra các sản phẩm mới lạ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách khi đến với Vũng Tàu.
Với đường bờ biển dài hơn 300km, nước biển luôn trong xanh, hệ thống đảo đa dạng, Chiến lược phát triển du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định chú trọng các sản phẩm khai thác thế mạnh từ biển, gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch tàu biển, du lịch thể thao, du lịch sức khỏe và du lịch nông nghiệp... Trong đó, du lịch tàu biển và du lịch thể thao được xem là hai sản phẩm mới. Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu đang hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao để thu hút dòng khách cao cấp, phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại để giữ chân du khách lưu trú dài ngày hơn. Cùng với đó là việc đầu tư tôn tạo các di tích, cơ sở văn hóa, đầu tư tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ du lịch, kết hợp phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao phục vụ khách tham quan.
Bà Rịa – Vũng Tàu đang xây dựng kế hoạch và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào các cụm du lịch, gồm Tp. Vũng Tàu; Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận; Bà Rịa - Núi Dinh; Hồ Tràm - Bình Châu; các dự án ven sông, rừng ngập mặn trên sông Dinh cùng các hạ lưu sông Dinh…, đồng thời tập trung nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia nhằm tạo bước phát triển đột phá cho du lịch địa phương trong thời gian tới.
Quốc Bảo
Gửi bình luận