Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam
Mới đây, Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp Sở VHTTDL Quảng Nam và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế bàn giao và khai trương Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng A Nôr tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và Làng Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Ta Lang tại Quảng Nam.
Từ tháng 5/2018, Dự án Trường Sơn Xanh của USAID đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế xây dựng thành công Kế hoạch phát triển Du lịch sinh thái (DLST) với mục tiêu thiết lập mạng lưới các điểm du lịch sinh thái có tính đột phá trong việc tạo ra lợi ích, bảo tồn đa dạng sinh học, thiên nhiên và văn hóa, đặc biệt là các điểm đến du lịch sinh thái đặc thù tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia của khu vực Trung Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Lễ cắt băng khánh thành khai trương mô hình du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo đó, hai mô hình du lịch sinh thái là làng Ta Lang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) và A Nôr (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được xây dựng thí điểm, hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế, phát huy tối đa lợi ích cho cộng đồng, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách du lịch và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học thông qua giáo dục về môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương.
Làng Du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang
Ta Lang là một làng du lịch sinh thái cộng đồng mới của Tây Giang, nằm ngay bên con suối Ta Lang hiền hòa, trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách Đà Nẵng và Hội An chỉ hơn 120km. Điều hấp dẫn du khách khi đến Ta Lang là trải nghiệm được trở thành một phần của cộng đồng Cơ Tu với nghi thức chào đón bằng lễ cầu an và nhập làng trang trọng. Du khách sẽ được thư thái thả mình vào điệu dân ca “Rụm Cây” hay sôi nổi trong điệu múa “Tung tung da dá” (Vũ điệu dâng trời) dưới ánh trăng vùng cao huyền ảo, giữa không gian yên tĩnh, lãng mạn của một vùng thung lũng của thôn Ta Lang.
Ngày hội của dân tộc Pa Cô bên ché rượu cần
Ta Lang cũng là lựa chọn cho những du khách ưa khám phá khi được xuôi dòng Ch’Lang bằng bè tre, đắm mình bên thác R’Cung trắng xóa, hay đi bộ 12km đường rừng tìm hiểu đường mòn Hồ Chí Minh cũ còn lại ở Tây Giang, thăm địa đạo Axoò và đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn huyền thoại. Du khách còn được trải nghiệm cùng người dân lên rừng hái rau trái rừng, xuống suối bắt tôm cá và đi tìm các loại gia vị đặc biệt làm món Zơ Dá truyền thống của đồng bào Cơ Tu; được tự tay sơ chế và chuẩn bị từ những nguyên liệu sạch của thôn Ta Lang thành những món ăn mang đậm hương vị địa phương dưới mái nhà Gươl đầm ấm.
Làng Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Ta Lang hứa hẹn là địa điểm dừng chân lý tưởng, kết nối đến các điểm du lịch khác thuộc huyện Tây Giang như Đỉnh Quế, rừng Pơmu nguyên, cổng trời Azứt, thác Ra-ai và di chuyển đến với các làng du lịch sinh thái cộng đồng khác nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, như làng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) – một điểm du lịch sinh thái khác do Dự án Trường Sơn Xanh của USAID và VCTC hỗ trợ.
Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Dân tộc A Lưới
Làng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng A Lưới
A Lưới cách Tp. Huế 70km về phía Tây, là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Hiếm có địa phương miền núi nào như A Lưới có được tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa tộc người... đến du lịch các điểm văn hóa cách mạng. Mỗi một loại hình du lịch nơi đây đều có những thế mạnh và nét đặc trưng riêng.
Du lịch cộng đồng gồm hệ thống các nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Cơ Tu vì những ngôi nhà này chính là linh hồn của làng, bản, tộc người, ở đó thường xuyên diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng như hội họp, cúng bái, tiếp khách. A Lưới còn có các ngành truyền thống như dệt Zèng - di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, rèn...; những lễ hội của các dân tộc như Lễ A riêu caar, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), Lễ hội cầu mùa... Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch. Một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn được các địa phương quản lý, bảo vệ và giữ được vẻ nguyên sơ, thân thiện với môi trường.
Tại thôn A Nôr, xã Hồng Kim (A Lưới), dự án Trường Sơn Xanh đã tổ chức 5 khóa tập huấn và tham quan học tập nhằm trang bị, nâng cao hiểu biết và kỹ năng liên quan đến dịch vụ du lịch cho ban lãnh đạo và các thành viên trong cộng đồng. Khoảng 30 học viên (60% nữ giới) là cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn và thành viên Ban Quản lý mô hình du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr đã tham gia tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng, kỹ năng quản lý và vận hành điểm du lịch... Dự án đã cung cấp và thay mới trang thiết bị cho 03 homestay; hỗ trợ cải tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch như trang bị xe đạp leo núi, dụng cụ sơ cấp cứu, đồ bảo hộ và các trang thiết bị phục vụ trình diễn nghệ thuật. Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam VCTC đã hỗ trợ nâng cấp và xây mới các nhà vệ sinh, sân vườn và hệ thống vệ sinh nước thải. Cộng đồng đã đóng góp vật liệu, công lao động tham gia trồng cây cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch tại điểm đến này.
Vũ Thanh Thu - A Lăng Zui
Gửi bình luận