Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới
Sáng 24/5 tại Hà Nội, TCDL tổ chức hội thảo xin ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới. Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL Lê Anh Tuấn, Phó Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Tất Thắng cùng lãnh đạo và đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL Quảng Bình, Quảng Nam, An Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang...
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo
Việt Nam hiện có 25 tỉnh với 103 huyện, thị xã, thành phố và 435 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biên giới đất liền. Do điều kiện tự nhiên khiến cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra là do các chính sách dân tộc, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số thực hiện bao quát, trong khi nguồn lực còn hạn chế; các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn đã hỗ trợ hạ tầng thiết yếu nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có thời gian triển khai ngắn nên chưa thúc đẩy nhiều kết quả; chưa có chính sách cụ thể về phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số…
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, tập trung đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong phát triển du lịch các xã vùng sâu, vùng biên giới. Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới phải tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông để tiếp cận; xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu đón tiếp và phục vụ; xây dựng năng lực, đào tạo kỹ năng cho đồng bào; bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa truyền thống; hỗ trợ việc xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch; giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cho việc đăng ký đưa khách quốc tế đến vùng biên giới; bố trí nguồn lực và xây dựng chính sách hỗ trợ việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa như nghề, kiến trúc nhà, trang phục truyền thống; cân nhắc về phạm vi, đối tượng hưởng lợi của các cơ chế, chính sách để tránh trở thành rào càn khi ban hành... Đại diện Hà Giang chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ của địa phương với mức kinh phí cụ thể cho từng mô hình nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhà home-stay, nhà hàng, phòng khách sạn... Đại diện Quảng Nam kiến nghị cần có sự quan tâm đúng mức cho việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; An Giang đề nghị chính sách hỗ trợ thu hút đồng bào dân tộc thiểu số định cư tại chỗ và tham gia phát triển du lịch...
Phước Hà
Gửi bình luận